Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Getty Images |
Newsweek đưa tin, trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 22/3, thượng nghị sĩ Lindsey O.Graham đã hỏi NgoạI trưởng Antony Blinken rằng liệu Mỹ có bắt giữ Tổng thống Nga Putin nếu nhà lãnh đạo này đến thăm hay không.
"Như các ngài đã biết, chúng ta thực sự không phải là bên tham gia Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), vì vậy tôi không muốn đề cập giả thuyết đó. Tôi cũng không nghĩ ông Putin có bất kỳ kế hoạch nào tới Mỹ", ông Blinken nói.
Ông Graham tiếp tục hỏi: "Ông có khuyến khích các đồng minh châu Âu của chúng ta giao nộp ông ấy (Tổng thống Nga) không". Đáp lại, ông Blinken tuyên bố: "Tôi nghĩ bất kỳ thành viên nào của ICC đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình".
Trước đó, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 đã ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga Lvova Belova, với cáo buộc có liên quan đến việc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine từ các khu vực của Ukraine sang Nga.
Theo đó, trát bắt giữ yêu cầu 123 thành viên của ICC bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik |
Động thái của ICC đã gây ra phản ứng dữ dội từ Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/3 cho biết, Nga nhận thấy chính những động thái trên là "thái quá và không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin cũng bày tỏ thái độ phản đối khi tuyên bố Moscow coi "bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Tổng thống Liên bang Nga là một hành vi xâm lược quốc gia".
TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi quyết định của ICC là "một hành động vô nghĩa" và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa đó cả", bà Zakharova nhấn mạnh.
Mặc dù Nga là một trong những nước ký kết Quy chế Rome - tài liệu thành lập ICC - nhưng nước này chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước để trở thành thành viên và chính thức rút khỏi hiệp ước vào năm 2016.
Ngoài Nga, Israel, Sudan và Mỹ cũng là các quốc gia đã rút lại chữ ký. Quốc hội Mỹ năm 2002 đã thông qua luật cấm bất kỳ sự hợp tác nào với ICC và cho phép “tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp” để thả bất kỳ người Mỹ nào – hoặc công dân của một quốc gia đồng minh – bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/3 tuyên bố lệnh bắt giữ của cơ quan này là hợp lý. Trong khi đó, Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng Mỹ không nên "hợp tác" với lệnh bắt giữ của ICC, đồng thời cáo buộc cơ quan này trong nhiều năm qua "về cơ bản là bất hợp pháp".
Theo giới phân tích, lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Nga chủ yếu mang tính biểu tượng nhằm thể hiện thái độ với cuộc chiến ở Ukraine, trong khi tác động thực tiễn rất hạn chế. Trong hơn một năm chiến sự, ông Putin chủ yếu làm việc tại Moscow. Ngoài ra, ông cũng nhiều khả năng không tới thăm các nước "không thân thiện".