Sáng 24/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá dự thảo Luật đã đảm bảo thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân. Dự thảo Luật cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương với 37 điều (giữ nguyên chương, bổ sung 1 điều và chỉnh lý tại lý tại 34 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7).
Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài (Điều 5), UBTVQH chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”.
UBTVQH đề nghị dự thảo Luật bổ sung cụm từ “và thôi tham gia”, thể hiện tại tên điều (thành “Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động và thôi tham gia công đoàn”) và khoản 4 Điều 5. Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp (Điều 6), dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: Bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Bảo đảm linh hoạt, hài hòa về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng giữ như quy định tại Điều 23 của Luật Công đoàn hiện hành và thể hiện tại Điều 26 của dự thảo Luật.
Đồng thời, thể chế hóa nhiệm vụ “Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công đoàn cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn” được xác định tại Nghị quyết số 02 vào Khoản 5 Điều 23 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), cơ quan thẩm tra đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn; không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa.
UBTVQH yêu cầu dự thảo Luật bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”; Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.