Chiều 25/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải quảng cáo là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm
Phát biểu góp ý tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết quảng cáo trên mạng là vấn đề hết sức được quan tâm. Bởi trên thực tế, có những hình ảnh, thông tin quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Đại biểu đề nghị cần quy định người chuyển tải thông tin quảng cáo phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và sản phẩm mà mình quảng cáo.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
“Sản phẩm quảng cáo kém chất lượng, ví dụ thực phẩm chức năng, hoặc dược phẩm kém chất lượng mà cũng đem ra quảng cáo. Mà người quảng cáo đó rất có uy tín, người dân lại coi họ là rất tốt, như MC, nghệ sĩ nổi danh,” đại biểu nêu thực tế.
Đại biểu đề nghị quy định rạch ròi cụ thể những đối tượng quảng cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi quảng cáo của mình, “chứ không phải quảng cáo mà không chịu trách nhiệm khi người ta sử dụng sản phẩm dởm, giả, gian; mình thì chỉ biết hưởng tiền bỏ túi”.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tại điểm c, khoản 5 Điều 15a quy định: “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Đại biểu cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo nên cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào. Hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác.
Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc quy đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.
Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.
Rà soát nội dung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng cần làm rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.
Đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a của Luật Quảng cáo hiện hành về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo như số lượng sản phẩm phát hành, doanh thu, đặc tính của sản phẩm.
Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”.
Về nội dung này, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.
Đối với điểm c, khoản 5 Điều 15a quy định: “Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tính cần thiết của quy định này.
Đại biểu cho rằng mục đích của quy định này là ràng buộc trách nhiệm của người có ảnh hưởng làm quảng cáo. "Đối với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì cần xem xét về cơ địa, thói quen sinh hoạt, ăn uống, khí hậu vùng miền. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm nên giao cho cơ quan thẩm định có chuyên môn, khoa học thì phù hợp hơn," đại biểu nói.
Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng Trước tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) bày tỏ tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử; nhấn mạnh rằng các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. |
Tăng diện tích quảng cáo trên báo in để cơ quan báo chí tăng nguồn thu Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tán thành với việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. |
Bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng có đúng quy định? Chiều 11/11, chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, nhiều đại biểu nêu về thực trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường. |