Giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản (BĐS)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật có 8 chương và 76 điều, giảm 2 chương và 3 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu kỳ họp thứ 8.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về BĐS, Điều 44 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: "Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về BĐS trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở".
Quy định này trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với BĐS, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về BĐS và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (CCV), nhiều ý kiến tán thành với quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật. Tại văn bản số 777/CP-PL, Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau về vấn đề này, ngày 20/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng Phiếu xin ý kiến (qua App) về nội dung này.
Kết quả, có 245 ĐBQH (chiếm 75,62% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 51,15% tổng số ĐBQH) tán thành với đề nghị của UBTVQH theo hướng quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc.
Có 77 (chiếm 23,77% tổng số ĐBQH cho ý kiến và chiếm 16,08% tổng số ĐBQH) đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở kết quả xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc như thể hiện tại Điều 39 của dự thảo Luật.
Bổ sung thẩm quyền cho UBND tỉnh phê duyệt một số quy hoạch tỉnh, thành phố
Đối với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trong báo cáo rằng dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương và 59 điều, giảm một chương và 6 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Về bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 8), trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định quá chi tiết về cơ sở xác định, lập dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng tại các điều từ Điều 22 đến Điều 35 của dự thảo Luật.
Thay vào đó, bổ sung khoản 1 mới tại Điều 8 quy định chung về quy hoạch đô thị và nông thôn là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm sự phù hợp của dự án đầu tư xây dựng đối với từng loại, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, thiết kế đô thị riêng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện các loại dự án đầu tư xây dựng.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 41), trên cơ sở ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh sửa như sau: Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với quy hoạch chung thành phố, thị xã trong trường hợp khu kinh tế, khu du lịch quốc gia có phạm vi quy hoạch nằm hoàn toàn trong địa giới hành chính của thành phố, thị xã vì theo quy định tại khoản 3 Điều 5 thì trường hợp này không lập quy hoạch chung khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, chỉ lập quy hoạch chung thành phố, thị xã.
Dự thảo lược bỏ nội dung về thẩm quyền của UBND tỉnh đối với quy hoạch chung khu chức năng vì đối với quy hoạch chung khu chức năng chỉ có quy hoạch chung khu kinh tế, quy hoạch chung khu du lịch quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Quy định và làm rõ hơn thẩm quyền của UBND cấp tỉnh đối với quy hoạch chung thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Dự thảo cũng loại trừ nội dung về thẩm quyền của UBND cấp huyện đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức được giao quản lý khu chức năng.
Đồng thời, bổ sung nội dung về thẩm quyền phê duyệt của cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND cấp tỉnh được giao quản lý khu chức năng đối với nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu chức năng để phù hợp với thực tiễn.
Quốc hội bàn công tác nhân sự, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn Trong ngày làm việc 25/10, Quốc hội có chương trình họp về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. |
Đại biểu Quốc hội: ‘Tránh chồng chéo, trùng lặp trong các loại quy hoạch’ Các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo tín thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống quy hoạch; đồng thời cần có nguyên tắc áp dụng trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. |
Đại biểu Quốc hội: Nên hạn chế đô thị hóa nông thôn Đại biểu cho rằng, nông thôn là nơi giữ gìn văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có thể hiện đại hóa nhưng nên hạn chế đô thị hóa để giữ gìn đặc trưng. |