Người biểu tình giơ biểu ngữ "Lỗi 49.3 không tìm thấy dân chủ" tại cuộc biểu tình ngày 6/6 ở Nantes, Pháp nhằm nói tới việc Tổng thống Pháp sử dụng điều 49.3 thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội. Ảnh: Reuters |
BFM TV ngày 6/6 đã chiếu hình ảnh của vài chục người thuộc công đoàn CGT chiếm giữ tòa nhà Thế vận hội Olympic Paris 2024 tại Aubervilliers, phía bắc thủ đô nước Pháp. Tuy nhiên theo Reuters phỏng vấn một phát ngôn viên của Thế vận hội, “không có bạo lực xảy ra và không có ai thiệt mạng”.
Trên thực tế, các cuộc biểu tình trên toàn quốc thời điểm này thu hút ít người tham gia hơn nhiều so với cuộc biểu tình trước đó ngày 1/5. Cụ thể theo dữ liệu thống kế của chính phủ Pháp, số người xuống đường biểu tình ngày 6/6 là khoảng 281.000 người, thấp hơn nhiều so với con số 782.000 của các cuộc biểu tình trước đó vào ngày 1/5.
Mức độ bạo lực của các cuộc biểu tình cũng dần suy giảm khi các nhà chức trách chỉ ghi nhận một số vụ phá hoại nhỏ so với các cuộc đụng độ lớn nhất nổ ra hồi tháng 3 và tháng 4 khi người biểu tình đập phá nhiều cửa hàng và đốt xe hơi cũng như nhiều đồ đạc nhằm chặn đường.
Dù vậy, vẫn có một số người biểu tình đe dọa sẽ làm gián đoạn Thế vận hội mùa hè tới nếu ông Macron không lùi bước. Một số biểu ngữ tuyên bố “không nghỉ hưu, không Olympics” đã xuất hiện tại đường phố Paris ngày 6/6. Trong khi đó, các chuyến giao hàng nhiên liệu đã bị chặn và không thể rời khỏi khu vực Donges của TotalEnergies, gần Nantes ở miền tây nước Pháp.
Cơ quan hàng không dân dụng Pháp cũng đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 1/3 số chuyến bay ra khỏi sân bay Paris – Orly - sân bay số hai của thủ đô – trong bối cảnh một số nhân viên kiểm soát không lưu đình công. Giám đốc điều hành Ryanair Michael O'Leary thông báo trên Twitter ngày 6/6 rằng, hãng của ông đã phải hủy khoảng 400 chuyến bay “vì các cuộc đình công của công đoàn ATC của Pháp”. Tuy nhiên, phần lớn các chuyến bay này là các chuyến bay quá cảnh và không đến Pháp".
Người biểu tình đốt xe đạp tại Paris, Pháp ngày 6/6. Ảnh: Reuters |
Kể từ khi Tổng thống Pháp đưa ra luật tăng tuổi nghỉ hưu, các công đoàn đã liên tục thể hiện sự phản đối của mình thông qua các cuộc biểu tình từ tháng 1/2023. Tuy nhiên tới hiện tại, Reuters trích dẫn và Sophie Binet, tổng thư ký của công đoàn CGT, cho biết những người lao động tham gia biểu tình cảm thấy tức giận nhưng cũng thấy mệt mỏi do tài chính của họ bị bóp nghẹt. Bất chấp việc này, bà khẳng định công đoàn sẽ không bỏ cuộc.
Bà Lauren Berger, người đứng đầu công đoàn CFDT có tư tưởng cải cách, cũng nhận định mục đích của các công đoàn là biến sự tức giận thành "sự thể hiện sức mạnh" trong các cuộc đàm phán với chính phủ về các vấn đề như cải thiện điều kiện làm việc và sức mua.
Ngoài ra, một kiến nghị do phe đối lập tài trợ hồi tuần trước nhằm hủy bỏ việc tăng tuổi hưởng lương hưu tối thiểu sẽ được quốc hội Pháp xem xét. Tuy nhiên, kiến nghị này có khả năng cao bị bác bỏ do theo hiến pháp, các nhà lập pháp không thể thông qua đạo luật đè nặng lên tài chính công mà không có biện pháp bù đắp những chi phí đó.
Dù vậy, các công đoàn vẫn đặt hy vọng vào một cuộc biểu tình lớn gây áp lực lên các nhà lập pháp tổ chức bỏ phiếu và tạo tiền đề cho những thách thức tiếp theo.
Số người tham gia biểu tình ngày 6/6 trên cả nước Pháp ít hơn nhiều so với mức đỉnh trong các cuộc biểu tình trước đó. Ảnh: Reuters |