Mì ăn liền là món ăn quốc dân của người Indonesia, do đó nếu giá mì gói tăng, sinh kế của nhiều người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Ảnh: Jakarta Post |
Theo Nikkei Asia trích dẫn lời Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, giá mì gói được dự đoán sẽ còn gia tăng hơn nữa. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ sự quan ngại của Indonesia về viễn cảnh an ninh lúa mỳ bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mối lo ngại này có cơ sở vững chắc, đặc biệt khi Indonesia là một trong những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất toàn cầu. Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, nhu cầu mì ăn liền của nền kinh tế lớn nhất ASEAN này đạt 13,27 tỷ suất ăn vào năm 2021, chỉ đứng sau 43,99 tỷ phần ăn của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu tính về mức độ tiêu thụ trên đầu người, Indonesia thậm chí còn vượt qua Trung Quốc với tỷ lệ 50 khẩu phần ăn mỗi năm.
Do nhu cầu của thị trường lớn, các loại mì ăn liền tại đây cũng vô cùng đa dạng. Dù vậy, thương hiệu mì gói phổ biến nhất tại quốc gia này được cho là tới từ Indofood – công ty con của tập đoàn Salim và cũng đồng thời đứng sau sản phẩm mì gói Indomie nổi tiếng không chỉ ở thị trường nội địa mà còn ở các thị trường quốc tế như Việt Nam.
Nhờ hương vị đa dạng và giá cả phải chăng, mì ăn liền và đặc biệt Indomie là món ăn quốc gia tại Indonesia. Sự biến động giá cả của chúng vì vậy có liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Tuy nhiên giá lúa mỳ - nguồn nguyên liệu chính được sử dụng trong các sản phẩm mì gói như Indomie – đang tăng lên theo cùng với mức giá của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác. Tính tới 8/6, giá lúa mỳ tại Indonesia đang ở mức 0,78 USD cho mỗi kg – tăng cao hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Mì gói thương hiệu Indomie rất được ưa chuộng tại Indonesia do hương vị đa dạng và giá cả phải chăng. Ảnh: Nikkei Asia |
Theo Nikkei Asia, hiện mì Indomie vẫn đang được bán ở mức giá trung bình khoảng 0,19 USD tại các cửa hàng, một mức giá phải chăng ở một quốc gia có mức lương trung bình hàng tháng khoảng 200 USD. Tuy Indonesia có một đợt tăng thuế GTGT hồi tháng 4, nhưng Indofood vẫn đang giữ nguyên giá của sản phẩm.
Dù vậy nếu như giá lúa mỳ tiếp tục leo thang, nhiều người tiêu dùng cũng như các cơ quan chính quyền đang theo dõi chặt chẽ mức giá của mặt hàng quan trọng này. Khi được hỏi về khả năng tăng giá, một quan chức Indofood cho biết công ty sẽ xem xét các yếu tố như giá nguyên liệu và thành phần, nền kinh tế và sức mua của người tiêu dùng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo một nhân viên văn phòng ở Jakarta, các gói mì Indomie đắt hơn sẽ buộc người tiêu dùng phải thay đổi hành vi mua sắm. Theo ông, ngay cả khi giá một gói mì chỉ tăng lên 0,034 USD, tác động của nó vẫn rất đáng kể nếu tính gộp chi phí cả tháng lại. Nếu là bản thân ông, ông sẽ phải cắt giảm việc ăn mì Indomie xuống còn 1 hoặc 2 lần / tuần từ mức 3 tới 4 lần / tuần của hiện tại.
Ở một diễn biến khác, Indonesia cũng đang gặp phải vấn đề với các mặt hàng lương thực và thực phẩm khác như dầu ăn. Giá dầu ăn tăng cao đã đẩy chi phí lên mức đắt đỏ, khiến cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng và gây ra nhiều cuộc biểu tình của sinh viên. Trong bối cảnh đó, chính phủ Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ để bình ổn giá dầu nội địa, gây ra nhiều lo ngại cho nguồn cung dầu ăn quốc tế. Tuy nhiên hiện lệnh cấm này đã được dỡ bỏ.