Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, diễn ra ngày 25/4 tại Hà Nội. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Minh Trang nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang rất tiềm năng. Theo thống kê trong năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với tiêu dùng Việt Nam.
Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm.
Trong quý 1/2024, người Việt chi "mạnh tay" hơn cho mua sắm trực tuyến. Tính chung 5 sàn thương mại lớn tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo, doanh thu bán lẻ quý 1/2024 cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Metric.
Một minh chứng rõ nét, tháng 12/2023, UBND TP HCM phối hợp với TikTok tổ chức chương trình livestream tại Chợ Bến Thành, đạt doanh thu hàng hóa qua livestream (GMV) lên đến 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày phát trực tuyến.
Thị trường livestream Việt Nam chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả chất và lượng. Trong đó, shopping livestream (mua sắm qua livestream) đang là hình thức phổ biến nhất trong các loại hình livestream hiện nay, chiếm tới 62%.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Accetrade, tại Việt Nam có 3 nền tảng livestream phổ biến nhất gồm Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,25). Ước tính trung bình mỗi tháng có đến 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán.
Cùng với đó, số liệu từ nền tảng Cốc Cốc cho thấy, khoảng 77% người tham gia khảo sát đã từng xem livestream bán hàng, trong đó có đến 71% người có mua hàng trong phiên livestream.
Thương mại điện tử còn thiếu tính bền vững
Tại sự kiện, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho rằng, tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững. Doanh thu thương mại điện tử mới chỉ chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước, thấp hơn mức trung bình 19,4% của thế giới.
Thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở các thành phố lớn. Thực tế, khoảng cách về thương mại điện tử giữa 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP HCM với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Chẳng hạn như, khoảng cách giữa TP HCM so với Bắc Kạn - tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng là 76,4 điểm.
Cùng với đó là thiếu sự liên kết giữa các vùng để tận dụng lợi thế; vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến; tác động xấu tới môi trường, nhất là khâu giao hàng, đóng gói.
Theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, những yếu tố quyết định tính bền vững trong thương mại điện tử bao gồm thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến, tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Để tạo sự tăng trưởng bền vững cho thương mại điện tử, Tổng giám đốc Ecomstone Việt Nam Trần Quý Hiến kiến nghị, doanh nghiệp cần nêu bật dấu ấn giá trị và đặc thù riêng có của sản phẩm hàng Việt. Trong đó, quan trọng là quảng bá sản phẩm thông qua những câu chuyện gắn với nét đặc sắc, những di sản của mỗi vùng quê, địa danh và phát triển các sản phẩm riêng có của Việt Nam nhằm thu hút người mua quốc tế.
"Mỗi sản phẩm cần có một câu chuyện - từ nguồn gốc, cách làm, cho đến tình yêu với sản phẩm để kể với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như vậy chắc chắn sẽ bán được hàng," ông Hiến nói thêm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng tên miền ".vn" làm cơ sở cho nhận diện thương hiệu số, đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong việc tạo dựng niềm tin, bảo đảm an toàn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.