Các hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng Việt Nam đang nhắm vào các nhóm đối tượng như người cao tuổi, trẻ em... |
Phát biểu tại hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ngày 13/5, ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng quốc gia nhận định, lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức, cá nhân, tác động tiêu cực đến phát triển quốc gia.
Hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi. Tội phạm mạng triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất là trí tuệ nhân tạo, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm. Riêng năm 2023, con số này là 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, lợi dụng công nghệ mới để tấn công, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là 73%. Lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.
Thông tin thêm về tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam, ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) dẫn số liệu của Bộ Công an, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa đảo là 8.000-10.000 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Cổng cảnh báo an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được khoảng 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.
"Các nạn nhân thường có tâm lý không muốn cung cấp đầy đủ số tiền bị thiệt hại nên con số hơn 300 tỷ đồng chưa phản ánh thật sự đầy đủ thiệt hại của hơn 17.400 trường hợp bị lừa đảo trực tuyến trong năm 2023. Ghi nhận trường hợp lừa đảo lớn nhất bị thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng".
Trước thực trạng trên, ông Trần Quang Hưng kiến nghị, Việt Nam cần tận dụng sức mạnh của chính mạng xã hội để tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Đồng thời, chú trọng đến các giải pháp về quản lý mạng xã hội. Yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội qua số điện thoại, giúp hạn chế tội phạm mạng và tạo thuận lợi cho giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam, tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu.
Về phía các nền tảng mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng của mình. Trường hợp các tài khoản trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng cần tạm khóa tài khoản hoặc khóa vĩnh viễn.
Tại sự kiện, ông Trần Quang Hưng cũng chỉ ra 4 xu hướng chung về chính sách quốc tế trong công tác phòng, chống lừa đảo trên mạng mà Việt Nam có thể tham khảo. Đó là yêu cầu xác minh danh tính thực của người dùng đối với dịch vụ; nâng cao việc giám sát tài chính và chống rửa tiền. Cùng với đó, quản lý không gian mạng bằng nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc nền tảng kỹ thuật; tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp liên quan và quản lý gian lận trên không gian mạng.
Về phía doanh nghiệp, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch tập đoàn VNPT đề xuất, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước chung tay triển khai đưa các giải pháp bảo vệ an toàn an ninh tiếp cận từng hộ gia đình, từng thiết bị đầu cuối.
Các cơ quan như Bộ Công an, Tòa án, các Bộ, cơ quan ngang bộ, hệ thống chính quyền các cấp và các doanh nghiệp cần sử dụng công cụ định danh SMS/Voice Brandname khi liên hệ người dân để hạn chế lừa đảo qua SMS/Voice.
Hiệp hội an ninh mạng quốc gia cần đóng vai trò thúc đẩy các thành viên phát triển sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, đồng thời điều phối chia sẻ các cơ sở dữ liệu thông tin về an ninh mạng.