Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Astana, Kazakhstan, ngày 2/7/2024, để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trước thềm sự kiện, văn phòng báo chí Điện Kremlin ngày 3/7 thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Astana. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã ngày 2/7 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tới thủ đô của Kazakhstan để tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO cũng như tiến hành các chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia này và Tajikistan. Đây là chuyến thăm thứ 5 của ông Tập tới Kazakhstan và là chuyến thăm thứ hai trong vòng chưa đầy 2 năm, sau chuyến thăm cấp nhà nước trước đó của ông vào tháng 9/2022.
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo SCO dự kiến sẽ thảo luận về nhiều chủ đề, bao gồm việc tạo điều kiện tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt trong SCO, triển vọng của tổ chức cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách.
Hãng thông tấn TASS trích dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho biết các nhà lãnh đạo tham gia phiên họp thứ 24 tại Astana của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) còn dự kiến sẽ thông qua một số sáng kiến, trong đó bao gồm sáng kiến thống nhất thế giới vì hòa bình và hòa hợp công bằng - Tuyên bố Astana. Quyết định mang tính “lịch sử” trong việc chấp nhận Belarus là thành viên SCO cũng được dự kiến thông qua trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh.
Đặc biệt, một trong các cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh SCO năm 2024 còn diễn ra lần đầu tiên dưới hình thức “SCO+”. Phát biểu trước các phóng viên ngày 2/7, trợ lý tổng thống Nga về các vấn đề quốc tế Yury Ushakov cho biết chủ đề của cuộc họp sẽ xoay quanh việc “tăng cường đối thoại đa phương - mưu cầu hòa bình và phát triển bền vững”.
Theo ông Ushakov, một số nhà lãnh đạo được mời tham dự cuộc họp đầu tiên theo định dạng SCO+ bao gồm Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, thành viên Hội đồng tối cao của Các tiểu vương quốc Sheikh Saud bin Saqr Al Qasimi và Chủ tịch Hội đồng nhân dân Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov.
Theo đại diện Điện Kremlin, cuộc họp còn có sự tham dự của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Imangali Tasmagambetov, Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) Sergey Lebedev, cũng như đại diện của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo và Tổ chức Hợp tác Kinh tế.
SCO được thành lập vào ngày 15/6/2001 tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ban đầu, tổ chức này bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Tajikistan và Uzbekistan. Tới năm 2017, các quốc gia bao gồm Ấn Độ và Pakistan gia nhập. Tehran nộp đơn xin gia nhập vào năm 2008 và trở thành thành viên chính thức của tổ chức này vào tháng 7/2023. Belarus cũng dự kiến sẽ sớm trở thành một thành viên chính thức.