Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre. Ảnh: Global Look Press |
Theo RT, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/10, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Có một liên minh quốc tế rất mạnh phía sau Ukraine. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng Nga có thể trụ lâu hơn chúng tôi thì ông ấy đã nhầm”.
Bà cho biết Nhà Trắng sẽ sớm công bố “một gói viện trợ khác cho Ukraine”, nhưng không nêu chi tiết về thời gian và nội dung của khoản hỗ trợ quân sự sắp tới này.
Bình luận của quan chức Nhà Trắng được đưa ra sau khi Điện Kremlin cảnh báo rằng Mỹ và các đồng minh sẽ “mệt mỏi vì các khoản viện trợ vô lý cho Ukraine”. “Sự mệt mỏi này sẽ dẫn tới tình trạng tan rã của bộ máy chính trị và nảy sinh nhiều mâu thuẫn”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Quốc hội Mỹ ngày 30/9 thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn chính phủ đóng cửa trong vòng 45 ngày (từ ngày 1/10 đến ngày 17/11). Dự luật bao gồm 16 tỷ USD hỗ trợ các nạn nhân thảm họa thiên tai, nhưng không bao gồm viện trợ bổ sung cho Ukraine hay ngân sách cho các thay đổi trong chính sách an ninh biên giới.
Từ trái sang phải: Lãnh đạo phe Thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Điện Capitol, ngày 21/9. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an rằng: “Tôi muốn khẳng định với các đồng minh, với người dân Mỹ và người dân Ukraine rằng mọi người có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ rời đi”.
Trong cuộc họp báo, bà Jean-Pierre cũng kêu gọi Quốc hội cần có hành động nhanh chóng. “Họ không phải đợi 45 ngày để hoàn thành việc này”, bà nói.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, Mỹ là quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất và kêu gọi các đồng minh hỗ trợ Kiev. Cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó có khoảng 49,6 tỷ USD viện trợ quân sự.
Hồi tháng 8 năm nay, Tổng thống Biden đã đề nghị Quốc hội viện trợ thêm 24 tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, những tranh cãi liên quan đến viện trợ cho Kiev là một trong những nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán ngân sách giữa các nghị sĩ rơi vào bế tắc.
Các thành viên lưỡng đảng trong ban lãnh đạo Thượng viện Mỹ hôm 28/9 đưa ra một tuyên bố chung cam kết sẽ bỏ phiếu về việc tài trợ thêm cho Ukraine "trong những tuần tới". Đồng thời, Quốc hội Mỹ sẽ cần đàm phán một dự luật tài trợ khác vào giữa tháng 11.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ lo ngại về việc các khoản viện trợ được gửi đến Ukraine sẽ được sử dụng như thế nào và chính quyền ông Biden dự kiến chấm dứt cuộc xung đột như thế nào.
Nói trong cuộc họp báo ngày 2/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết: “Các thành viên của chúng tôi có rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là về các quy định về trách nhiệm giải trình đối với những gì chúng tôi muốn thấy về khoản tiền được gửi”. Ông cũng kêu gọi Nhà Trắng sắp xếp một cuộc họp ngắn để các nhà lập pháp phác thảo một lối thoát khả thi cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cũng trong ngày 2/10, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng các hạn chế về ngân sách có thể ảnh hưởng đến cả khả năng Mỹ cung cấp viện trợ cho Kiev và bổ sung kho vũ khí của chính mình.
Nếu các yêu cầu về các khoản tài trợ không được đáp ứng, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự "quan trọng và cấp bách" như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong bối cảnh Nga chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa đông.
Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer rằng Kiev có thể "thua trận" nếu không nhận được viện trợ kịp thời.