Khói bốc lên từ những chiếc máy bay đang cháy bên trong Sân bay Khartoum, Sudan, ngày 17/4. Ảnh: Reuters |
Japan Times đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo khẩn, ông Hirokazu Matsuno cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng sử dụng máy bay của Lực lượng Phòng vệ để sơ tán công dân.
“Khi tình hình an ninh ngày càng tồi tệ, chính phủ sẽ tiếp tục làm hết sức mình để đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại nước sở tại, bao gồm an toàn và sơ tán công dân, với sự hợp tác chặt chẽ với G7 và các nước lớn khác", ông Matsuno nói.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, ngày 19/4. Ảnh: Kyodo |
Quan chức này cho biết ước tính có khoảng 60 công dân Nhật Bản đang hiện diện trên lãnh thổ Sudan, bao gồm các cá nhân và nhân viên từ các tổ chức phi chính phủ, Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Chính phủ Nhật Bản đã liên lạc với các công dân này và được xác nhận an toàn, nhưng họ đang chịu cảnh thiếu thức ăn, nước uống và tình trạng mất điện thường xuyên.
Sudan đang xảy ra cuộc giao tranh quyền lực đẫm máu giữa quân đội chính quy Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy. Các cuộc đụng độ giữa hai bên bắt đầu diễn ra từ sáng 15/4.
Ngày 16/4, tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Karuizawa, tỉnh Nagano, Nhật Bản đã ra tuyên bố kêu gọi lệnh ngừng bắn tại Sudan. Tuy nhiên, tình hình xung đột tại quốc gia này đang có chiều hướng leo thang buộc Tokyo đưa ra quyết định bảo vệ các công dân Nhật Bản tại đây.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Volker Perthes cho biết, cuộc giao tranh ở Sudan đã khiến 185 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. 3 nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc cũng nằm trong số những người thiệt mạng trong giao tranh, buộc cơ quan này phải tạm dừng hoạt động tại Sudan.
Theo Guardian, ngày 18/4, lệnh ngừng bắn 24 giờ được thiết lập sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm riêng với ông Al-Burhan và ông Daglo để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình hình dân thường thiệt mạng và thúc giục 2 lãnh đạo này đồng ý ngừng bắn.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra. Cư dân thủ đô Khartoum cho biết họ vẫn nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ tại nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là xung quanh trụ sở Quân đội Sudan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các cuộc tấn công tại Sudan đang có chiều hướng nhắm vào bệnh viện và cơ sở y tế. Nhiều bệnh viện buộc phải ngừng hoạt động, trong khi một số trên bờ vực đóng cửa do quá tải bệnh nhân và thiếu vật tư y tế.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Khartoum và tất cả không phận của Sudan đã bị đóng cửa. Do vậy, hàng hóa tiếp tế cho người dân không thể đến bằng đường hàng không. Cuộc giao tranh cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sudan, khi giá cả các loại lương thực thiết yếu như bột mì, gạo và dầu ăn tăng vọt.