Theo The Japan Times, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản (NPA) ghi nhận 2.322 vụ lừa đảo đánh cắp tài khoản và mật khẩu ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, gây thiệt hại khoảng 21 triệu USD, cao kỷ lục so với những năm trước.
NPA cho biết, các vụ tấn công giả mạo (phishing) ở Nhật Bản đã dẫn đến việc chuyển tiền trái phép. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng e-mail và tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính và chuyển hướng người dùng đến các trang web giả mạo, với lý do là để giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Những tin nhắn này thường yêu cầu yêu cầu nhập tài khoản, mật khẩu OTP giao dịch và thông tin cá nhân khác. Từ đó, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
"Tấn công giả mạo là hình thức tấn công mạng mà tin tặc sử dụng các email hoặc các hình thức nhắn tin giả mạo khác để lừa người dùng nhấp vào các tài liệu có vẻ vô hại hoặc các đường link dẫn đến một trang web nhằm phát tán phần mềm độc hại lên các thiết bị người dùng và đánh cắp thông tin", NPA nêu rõ.
Trước đó, vào tháng 7, cảnh sát Indonesia đã bắt một người đàn ông Indonesia 40 tuổi vì đánh cắp và sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của một người Nhật Bản thông qua thủ đoạn trên. NPA cho rằng, đây là vụ bắt giữ nghi phạm nước ngoài đầu tiên nhờ sự hợp tác xuyên biên giới giữa cơ quan này và giới chức nước ngoài.
Các cuộc lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra Nhật Bản, báo cáo gần đây của công ty an ninh mạng Kaspersky cho thấy, số lượng các cuộc tấn công lừa đảo trên toàn cầu đã tăng đáng kể vào năm 2022. Hệ thống Anti-Phising của Kaspersky đã ngăn chặn 507.851.735 vụ truy cập vào liên kết lừa đảo.
Theo báo cáo, vào năm 2022, các trang mạo danh dịch vụ vận chuyển có tỷ lệ người dùng nhấp chuột vào các liên kết lừa đảo bị giải pháp của Kaspersky ngăn chặn chiếm tỷ lệ cao nhất với 27,38%.
Chuyên gia Adrian Hia tại Kaspersky nhấn mạnh: "Số liệu thống kê mới nhất của chúng tôi nhận thấy sự gia tăng các cuộc tấn công lừa đảo có chủ đích. Trong đó, những kẻ lừa đảo sẽ không chuyển sang hình thức tấn công lừa đảo ngay lập tức mà chúng sẽ hành động sau một vài email giới thiệu có tương tác tích cực với nạn nhân".
Ông Adrian dự đoán, xu hướng lừa đảo này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Các mánh khóe mới cũng có khả năng xuất hiện trong doanh nghiệp ở năm nay và với các cuộc tấn công sẽ tạo ra lợi nhuận đáng kể cho những kẻ lừa đảo.
Với việc chứng kiến sự gia tăng mạnh các vụ lừa đảo qua mạng, cảnh sát Nhật Bản khuyến cáo người dân không nên vào các liên kết trong các email đáng ngờ và chỉ nhập thông tin cá nhân trên các trang web hoặc ứng dụng chính thức.