Quang cảnh trước khi sứ mệnh Moon Sniper cất cánh tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima trên đảo Tanegashima, phía tây nam Nhật Bản ngày 28/8. Ảnh: Kyodo |
Sau nhiều lần phải điều chỉnh lịch trình phóng do điều kiện thời tiết không phù hợp, JAXA cho biết tên lửa H2-A mang theo tàu đổ bộ Moon Sniper đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima 8h42' sáng ngày 7/9 theo giờ địa phương. Tên lửa cũng mang theo một vệ tinh nghiên cứu được phát triển bởi JAXA, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) là XRISM.
Cụ thể, vệ tinh quang phổ và hình ảnh Tia X (XRISM) sẽ cung cấp các quan sát quang phổ tia X có độ phân giải cao về dòng khí plasma nóng thổi qua vũ trụ, từ đó giúp các nhà khoa học nghiên cứu các dòng khối lượng và năng lượng cũng như thành phần và sự tiến hóa của các thiên thể.
Nếu kế hoạch diễn ra đúng dự kiến, tàu đổ bộ chính xác Moon Sniper dự kiến sẽ chạm bề mặt Mặt trăng sau 4 đến 6 tháng nữa. Tàu đổ bộ của này vốn có tên gọi chính thức là là Tàu đổ bộ Thông minh để Điều tra Mặt trăng (SLIM) và được thiết kế để hạ cánh trong phạm vi 100 m tính từ một mục tiêu cụ thể trên Mặt trăng. Phạm vi này nhỏ hơn nhiều so với phạm vi thông thường là vài km.
Theo AFP trích dẫn JAXA, trước đây chưa có trường hợp nào hạ cánh chính xác trên một thiên thể có lực hấp dẫn đáng kể như Mặt trăng. Do đó, “bằng cách tạo ra tàu đổ bộ SLIM, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi về chất theo hướng tiến hành hạ cánh ở nơi chúng ta mong muốn chứ không chỉ ở nơi dễ hạ cánh”, JAXA đưa ra tuyên bố trước vụ phóng. Cơ quan này nhận định nếu đạt được điều này, con người “có thể hạ cánh xuống các hành tinh thậm chí còn khan hiếm tài nguyên hơn cả Mặt trăng”.
Vụ phóng lần này không phải lần đầu tiên Nhật Bản nhắm tới Mặt trăng. Những nỗ lực trước đây của nước này đều gặp thất bại, kể cả nỗ lực năm 2022 khi gửi tàu thăm dò mặt trăng mang tên Omotenashi như một phần của chương trình Artemis của Mỹ. Vào thời điểm đó, tàu thăm dò thành công được phóng bằng tên lửa cực mạnh của NASA từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida, nhưng đã gặp trục trặc và mất liên lạc sau đó.
Nhật Bản cũng gặp một số vấn đề với tên lửa phóng, ví dụ như thất bại sau khi phóng tên lửa nhiên liệu rắn Epsilon vào tháng 10/2023 và tên lửa H3 thế hệ tiếp theo vào tháng 3/2023. Tới tháng 7/2023, cuộc thử nghiệm tên lửa Epsilon S, phiên bản cải tiến của Epsilon, tiếp tục kết thúc bằng một vụ nổ 50 giây sau khi đánh lửa.
Công ty startup vũ trụ ispace của nước này hồi tháng 4 vừa qua cũng thất bại trong nỗ lực đầy tham vọng trở thành công ty tư nhân đầu tiên đáp xuống Mặt trăng do mất liên lạc sau vụ hạ cánh không thuận lợi.
Vụ phóng của Nhật Bản diễn ra ngay sau khi Ấn Độ hồi tháng 8 thành công hạ cánh sứ mệnh Chandrayaan-3 của mình ở gần cực nam của Mặt trăng, đánh dấu một bước tiến mang tính lịch sử đối với quốc gia đông dân nhất thế giới và chương trình không gian chi phí thấp của nước này.