Phó Chủ tịch điều hành hoạt động toàn cầu của Micron là Manish Bhatia cho biết: “Micron đánh giá cao sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản và tự hào là đối tác toàn cầu trong nỗ lực của Nhật Bản mở rộng sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy đổi mới”
Cụ thể, chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp cho Micron một khoản trợ cấp lên tới 320 triệu USD (46,5 tỷ Yen) để chế tạo chip nhớ tiên tiến 1-Beta DRAM (bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên) tại nhà máy ở Hiroshima (Nhật Bản).
Trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn nội địa, tháng 7 năm nay, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư 680 triệu USD (khoảng 92,9 tỷ Yen) cho công ty Kioxia và Western Digital để thành lập một trung tâm nghiên cứu chip thế hệ tiếp theo.
Thị trường chip bắt đầu ‘hạ nhiệt’
Theo Bloomberg, tăng trưởng doanh số chip toàn cầu vừa có tháng giảm thứ 6 liên tiếp. Đây được xem là một dấu hiệu cho nền kinh tế thế giới đang chịu áp lực do lãi suất và các rủi ro địa chính trị gia tăng.
Sự suy yếu trong ngành công nghiệp bán dẫn ở 2 thị trường cung ứng chip lớn trên toàn cầu là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) được nhận định là xuất phát từ việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát.
Thêm nữa, xung đột Nga-Ukraine và các đợt phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc khiến triển vọng kinh tế thế giới nhanh chóng bị đảo ngược.
Tình trạng thiếu hụt chip là một rào cản lớn cho Mỹ khi nền kinh tế nước này đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề do những cản trở trong hoạt động sản xuất.
Do đó, ngày 28/9 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã kêu gọi Nhật Bản tăng cường hợp tác sản xuất chip, một sản phẩm được cho là có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý rằng, nền kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào ngành công nghiệp chất bán dẫn bởi nó được dùng trong mọi sản xuất từ điện thoại, máy tính cho tới ô tô.