Khách du lịch tại Hội An. Ảnh: Thảo Ngân |
Sáng 27/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, sửa luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là để cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể là bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Một nội dung quan trọng nữa trong lần sửa đổi này là bổ sung thông tin "nơi sinh" trên giấy tờ xuất, nhập cảnh.
Đối với luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật sửa đổi để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Đồng thời, mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nội dung sửa đổi đáng chú ý khác là Chính phủ cũng trình Quốc hội nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Theo Chính phủ, quy định miễn thị thực hiện hành là 15 ngày. Tuy nhiên theo ngành du lịch, nhóm du khách từ Châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài từ 15 ngày trở lên và có xu hướng lựa chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia.
Do đó, Chính phủ nhận thấy cần nghiên cứu nâng thời hạn tạm trú đối với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực để tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Nhất trí bổ sung thông tin "nơi sinh" trên giấy tờ xuất nhập cảnh
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với việc bổ sung loại giấy tờ xuất, nhập cảnh và thông tin "nơi sinh" vào giấy tờ xuất, nhập cảnh.
Việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh tại khoản 3 điều 6 luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là bước đi tiếp theo nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc sau khi Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam tại nghị quyết chung Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định mở về thông tin trên giấy tờ xuất, nhập cảnh để bảo vệ công dân Việt Nam và bảo đảm yêu cầu về đối ngoại.
Đại diện Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng cho biết, Ủy ban nhất trí đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
Việc quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần sẽ tạo sự thuận lợi, chủ động cho người nước ngoài trong các lần nhập cảnh, xuất cảnh, góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách du lịch nước ngoài.
Cùng đó, việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 3 tháng sẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, người nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, ông Tới nêu.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thuyết phục, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo bổ sung làm rõ cơ sở, căn cứ để quy định thời hạn không quá 3 tháng. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá 6 tháng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới. |
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày theo đề xuất của Chính phủ.
Theo ông Tới, điều này phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch...
Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực. Cụ thể, Singapore là từ 30 - 90 ngày, Malaysia là từ 14 - 90 ngày, Myanmar từ 28 - 70 ngày, Philippines từ 30 - 59 ngày, Thái Lan lên đến 45 ngày, Indonesia tối đa 30 ngày, Campuchia từ 14-30 ngày.
Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, trong hồ sơ dự án luật chưa làm rõ được cơ sở, căn cứ của đề xuất 45 ngày, đề nghị bổ sung lập luận cụ thể, thuyết phục hơn. "Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn tạm trú lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú", ông Tới thông tin.