Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Thảo Ngân. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Yang Xiaomin, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải khẳng định quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều năm qua đạt được những kết quả tốt đẹp, đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023.
"Với sự nỗ lực xúc tiến hợp tác của hai nước ngày hôm nay, đoàn doanh nghiệp tỉnh Thanh Hải chúng tôi có mặt tại Bắc Ninh lần này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam," ông Yang Xiaomin nhấn mạnh.
Ông Yang Xiaomin Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải. Ảnh: Thảo Ngân. |
Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải chia sẻ thông tin và tiềm năng của địa phương này: "Thanh Hải là tỉnh nằm phía tây Trung Quốc, nơi có hai con sông lớn của Trung Quốc và thế giới chảy qua là sông Trường Giang và sông Hoàng Hà. Tỉnh có diện tích 720.000 km2, GDP bình quân đầu người 10.000 USD/năm và có thế mạnh là công nghiệp kim loại màu, khai thác dầu khí, điện lực, nông sản và trái cây phong phú".
Thông tin về tình hình hợp tác giữa tỉnh Thanh Hải với Việt Nam, ông Yang Xiaomin cho hay, hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của tỉnh và là đầu mối để tỉnh giao lưu, hợp tác với các nước ASEAN. Các sản phẩm tỉnh Thanh Hải xuất khẩu sang Việt Nam gồm nhựa PVC, nhựa dẻo, máy móc, cơ khí... Các doanh nghiệp năng lượng lớn của Thanh Hải cũng đang đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá Việt Nam và tỉnh Thanh Hải vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, ông Yang Xiaomin gợi ý doanh nghiệp hai bên cùng hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao. "Tỉnh Thanh Hải luôn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, không ngừng thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên và hợp tác cùng có lợi," ông Yang Xiaomin nhấn mạnh.
Cảm ơn những chia sẻ của Sở Thương mại tỉnh Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh những dự án đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có tỉnh Thanh Hải.
"Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và ngược lại. Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước," ông Toàn thông tin.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thảo Ngân. |
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ của hai bên. Do đó Việt Nam mong muốn Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng.
"Trung Quốc hoàn toàn có thể tin tưởng vào cơ hội đầu tư vào Việt Nam và các bạn có đủ năng lực làm việc này, Việt Nam rất hoan nghênh các dự án đầu tư từ Trung Quốc," ông Toàn bày tỏ.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp của Trung Quốc trong các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm hóa chất, năng lượng, thực phẩm đã giới thiệu những thế mạnh của mình và tìm kiếm các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với họ.
Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Tian Deyu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Yihua Thanh Hải bày tỏ mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm của mình tại Việt Nam và tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam trong cùng lĩnh vực hợp tác, phát triển sản phẩm như nhựa PVC, chất xút, nhựa PBAT, nhựa melamine, nguyên liệu sơn, mực in, dầu lan,...
Ông Tian Deyu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Yihua Thanh Hải. Ảnh: Thảo Ngân. |
Trong tương lai, ông Tian Deyu cho biết Yihua Thanh Hải có ý định mở nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam mà trọng tâm sẽ là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP TTP Phú Yên Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc về các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời, tua bin gió.
Ông Tuấn chia sẻ, Trung Quốc đang là quốc gia đi đầu trong sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, vượt qua cả Mỹ và Châu Âu, các sản phẩm của nước này có giá thành đang là thấp nhất nhưng hiệu suất lại là cao nhất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP TTP Phú Yên. Ảnh: Thảo Ngân. |
"Tôi mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đặt nhà máy sản xuất những sản phẩm năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cùng với đó chuyển giao công nghệ cho các kỹ sư Việt Nam để mang lại hiệu quả hợp tác cao nhất giữa hai bên," ông Tuấn bày tỏ.