Ảnh minh họa |
Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ về việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động và quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đề cập đến những điểm mới của Nghị định 70, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, văn bản này đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính trong quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
“Tất nhiên, cắt giảm nhưng đảm bảo quy định pháp luật và phải minh bạch cho cả lao động trong ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp", ông Bình nhấn mạnh trong phát biểu tại hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức ngày 16/10 nhằm phổ biến nội dung nghị định nói trên.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Việt Tuấn |
Ngoài ra, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: "Hiện nay luật có quy định, ở một số lĩnh vực doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động trong nước. Khi không tuyển được người Việt Nam mới tuyển dụng lao động nước ngoài. Để thực hiện điều này cần doanh nghiệp phải minh bạch, đăng tuyển thông tin công khai (tránh trường hợp tuyển kín chỉ để tuyển lao động nước ngoài).
Quy định này nhằm giúp lao động Việt Nam ở mọi vùng miền có thể được tham gia thị trường lao động. Không phải chỉ Việt Nam có quy định này, nhiều quốc gia trên thế giới cũng thực hiện như vậy".
Nghị định 70 cũng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn tình hình Việt Nam, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thêm vào đó, Nghị định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và kinh nghiệm tốt vào các vị trí công việc mà người Việt Nam không đáp ứng được, phù hợp thị trường lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nhằm kết hợp hài hòa giữa việc mở rộng nguồn nhân lực nước ngoài phát triển kinh tế đất nước với bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, bảo vệ Tổ quốc.
Minh bạch thông tin để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghị định 70 đã sửa đổi về điều kiện cấp giấy phép lao động đối với các vị trí công việc. Theo đó, chuyên gia nước ngoài là người tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Đại diện Eurocham, Cục việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Việt Tuấn |
Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ như các chức danh Trưởng phòng Tài chính, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng nhân sự, Giám đốc Marketing...
Đối với lao động kỹ thuật, được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Nghị định cũng quy định, kể từ ngày 1/1/2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH (Cục Việc làm), hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày, kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ LĐTBXH, hoặc Sở LĐTBXH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm: vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc.
Nếu không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định.
Bộ LĐTBXH hoặc Sở LĐTBXH có văn bản chấp thuận, hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình, hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Ngoài ra, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã bãi bỏ thẩm quyền của Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu kinh tế về việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Như vậy, tại địa phương, Sở LĐTBXH sẽ thống nhất quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn, bao gồm cả việc cấp giấy phép lao động.
Trường hợp doanh nghiệp thay đổi tên nhưng không thay đổi mã số doanh nghiệp và giấy phép lao động của người lao động còn hiệu lực sẽ thuộc trường hợp "cấp lại", không phải làm hồ sơ "cấp mới".
Thủ tục thay đổi nơi làm việc đối với người lao động nước ngoài
Trao đổi tại hội thảo, đại diện Công ty Mazars Việt Nam (Cộng hòa Pháp) nhận định, những thay đổi của Nghị định 70 đã tiệm cận với những vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm mà lâu nay còn vướng mắc, nhất là việc làm rõ như thế nào là chuyên gia và như thế nào là nhà quản lý. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng về giấy tờ chứng minh chức danh quản lý đối với Trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam...
Về việc này, Cục trưởng Cục Việc làm giải thích, Trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 3 Điều 154 Bộ Luật Lao động, là nhà quản lý. Doanh nghiệp chỉ cần nộp quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động mà người lao động đã ký với công ty mẹ, trong đó có ghi rõ chức danh của nhà quản lý.
Đối với chức danh tổng giám đốc hay giám đốc điều hành cần 3 loại giấy tờ, gồm: điều lệ công ty, quy chế hoạt động thể hiện vị trí hoạt động của nhà quản lý và quyết định bổ nhiệm.
Đại diện Công ty Talentnet (người đứng) trao đổi tại hội thảo |
Đối với câu hỏi của đại diện Công ty Talentnet, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ nhân sự, về việc làm thủ tục đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng sau đó thay đổi nơi làm việc, Cục trưởng Cục Việc làm lưu ý, trong quá trình thực hiện, nếu doanh nghiệp có bất cứ thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng người lao động, địa điểm làm việc, thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ LĐTBXH, hoặc Sở LĐTBXH trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.
Như vậy, việc người lao động thay đổi nơi làm việc trong ngắn hạn có thể sử dụng Giấy cử đi công tác. Trường hợp người lao động làm việc dài ngày tại nhiều địa điểm trong cùng 1 tỉnh sẽ đăng ký lại với Sở LĐTBXH. Trường hợp thay đổi nơi làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau sẽ cần đăng ký lại tại Cục Việc làm.
Về việc chứng minh kinh nghiệm làm việc của người lao động, giấy phép lao động cũ đã được cấp trước đó, dù hết hiệu lực, vẫn có thể sử dụng được. Theo giải thích của đại diện Cục Việc làm, lý do là bởi khi người lao động được cấp giấy phép lao động cũ đã chứng minh rằng họ đáp ứng đủ điều kiện.
Tuy nhiên, giấy phép lao động cũ và kinh nghiệm làm việc phải phù hợp với vị trí làm việc hiện tại. Vì vậy, trường hợp giấy phép lao động cũ với chức danh là nhà quản lý không thể áp dụng để chứng minh kinh nghiệm làm việc cho giấy phép lao động mới với chức danh chuyên gia. Và người lao động/doanh nghiệp cần liên hệ với Sở LĐTBXH nơi thu hồi giấy phép lao động cũ của người lao động để đề nghị sao y chứng thực giấy phép đó.
Đối với nhà quản lý hoặc thương nhân nước ngoài góp vốn dưới 3 tỷ đồng cần giấy tờ chứng minh là đăng ký doanh nghiệp có tên của họ.
Trường hợp người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam, theo khoản 6 Điều 154 Bộ Luật Lao động quy định, hồ sơ xin miễn giấy phép lao động chỉ cần cung cấp giấy đăng ký kết hôn và các giấy tờ khác theo quy định...