Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Halal quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Chiều 22/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”.
Tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị nhằm kết nối Việt Nam với thế giới thông qua sản phẩm và dịch vụ Halal. Đồng thời, kết nối nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước trên thế giới, đặc biệt là văn hóa các quốc gia đạo Hồi.
Bên cạnh đó, hội nghị còn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, toàn diện, chuyên nghiệp và bao trùm hơn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiềm năng phát triển ngành Halal tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành công nghiệp Halal rộng lớn có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trước năm 2030, độ mở rộng khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Trong khi đó, ngành Halal đa dạng về lĩnh vực, từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, đến công nghiệp hỗ trợ, logistics...
Nhận định rõ hơn về triển vọng thị trường Halal tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã xây dựng định hướng phát triển chiến lược ngành Halal đến năm 2030, có ý nghĩa quy hoạch rất quan trọng gồm đề án tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và phát triển ngành này.
Việt Nam cũng đã xây dựng trung tâm chứng nhận Halal quốc gia; ký kết một số thỏa thuận hợp tác về Halal với đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các doanh nghiệp, hiệp hội cũng ngày càng quan tâm đầu tư sản xuất, mở rộng, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Halal toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Cùng với ưu thế Việt Nam đang có trong việc phát triển ngành Halal, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: “Trong giai đoạn mới, Việt Nam xác định nâng cao mức độ hội nhập quốc tế, để mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, trong đó có sản phẩm Halal. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, bao gồm ngành công nghiệp Halal.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal thực sự trở thành ngành kinh tế mạnh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến trong bản đồ Halal toàn cầu, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal".
Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam có nhiều cơ sở để đạt được mục tiêu trên. Trong đó, Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định, có tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. Môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, bao gồm hạ tầng ngành công nghiệp Halal...
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng ổn định, lạm phát kiểm soát, kinh tế tăng trưởng cao với 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2024.
Mặt khác, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt hơn 400 tỷ USD, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/10, thương mại của Việt Nam đạt hơn 500 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại hơn 21 tỷ USD. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với hơn 100 triệu dân, Việt Nam cũng có 16 FTA với các thị trường, khu vực trên thế giới.
Đồng thời, Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Với những lợi thế và tiềm năng đang sở hữu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong ngành Halal trên cơ sở "3 cùng". Cụ thể, cùng lắng nghe, thấu hiểu với thách thức; cùng chia sẻ tầm nhìn trong sự phát triển ngành Halal, hệ sinh thái Halal; cùng làm cùng hưởng, cùng chiến thắng.
“Việt Nam coi trọng phát triển ngành Halal, xác định đây là định hướng mới trong hoạt động sản xuất, coi Halal là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, hợp tác với đối tác, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trong định hướng hợp tác, Thủ tướng cho rằng cần tập trung vào "5 đẩy mạnh". Cụ thể, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, hỗ trợ Việt Nam, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia, hỗ trợ đào tại nhân lực, đáp ứng nhu cầu của ngành Halal, phục vụ xuất khẩu sản phẩm Halal.
Thứ hai, đàm phán ký kết thỏa thuận, hiệp định ghi nhớ hợp tác, thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal, từ đó đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Halal toàn cầu.
Thứ ba, đẩy mạnh đối tác quốc tế đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp liên quan đến Halal như nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, mỹ phẩm.
Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, mở cửa các thị trường cho sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam, xây dựng thương hiệu sản phẩm Halal Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trao đổi hợp tác văn hóa, bao gồm văn hóa ẩm thực, từ đó đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp.
Chứng chỉ Halal - giấy thông hành đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu Trong bối cảnh các thị trường trọng điểm của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khu vực tiêu thụ thực phẩm Halal đang nổi lên là một thị trường có tiềm năng mở ra không gian tăng trưởng mới cho kim ngạch xuất khẩu. |
Sắp diễn ra Hội nghị Halal toàn quốc lần đầu tiên Ngày 22/10 sắp tới, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc đầu tiên với chủ đề “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”. |