Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra vào ngày 6/9, liên quan đến vấn đề nới room tín dụng được không chỉ được các ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: "Trong một hai ngày tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có thông báo phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) còn lại của năm 2022 tới từng ngân hàng".
Theo Phó Thống đốc, hiện tại, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất. Đến nay, nhiều ngân hàng cũng đã báo cáo tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu cho giai đoạn này đã được dùng hết, tuy nhiên Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ ưu tiên nới room đối các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn.
Hiện tại, lạm phát không còn là nguy cơ mà đã trở thành rủi ro hiện hữu với các nền kinh tế trên thế giới. Ông Tú cho biết, để chống lạm phát, nhiều Ngân hàng Trung ương lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất. Cụ thể, FED tăng tổng cộng 2,25 điểm phần trăm. Tương tự, ECB tăng 0,5 điểm phần trăm, qua đó chấm dứt 11 năm duy trì lãi suất thấp.
Đối với Việt Nam, lạm phát cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm, Chính phủ chỉ đạo. "Đáng mừng là trong 2-3 tháng gần đây, lạm phát tăng không nhiều chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh khiến giá nhiều mặt hàng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn từ đầu năm 2022 tới tháng 8/2022 tăng 2,58%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn trên thế giới", Phó Thống đốc chia sẻ.
Ngoài ra, ông Tú cũng nhận xét: "Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương tăng nhanh lãi suất mà Việt Nam vẫn giữ nguyên được lãi suất, cũng có thể coi là hạ lãi suất so với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay lãi suất với mức giá rẻ hơn".
Dù vậy, việc điều hành lãi suất của ngân hàng trung ương lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra lúc này là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
Với các ngân hàng thương mại, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9-9,3%, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định.
Tuy nhiên, để vừa khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ cùng Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại dùng nội lực của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp như trong giai đoạn Covid-19.
Tổng giá trị hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh của các ngân hàng là 52.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí của mình để dành dư địa hỗ trợ các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho biết: "Mặc dù, các ngân hàng lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng so với quy mô vốn thì không phải là cao. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp là một nội dung chắc chắn sẽ được đặt ra trong thời gian tới".
Trước thông tin NHNN sắp cấp thêm room tín dụng, tại báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tháng 8/2022, Chứng khoán SSI research cũng dự báo, mức điều chỉnh của NHNN sẽ vào khoảng 3-5% - tùy vào "tình hình sức khỏe" của từng ngân hàng.
Theo đó, SSI cho rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh sẽ trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.