Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh trả lời tại họp báo. Ảnh: VGP |
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với điểm nhấn là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng Quốc hội chỉ xây dựng luật khung, ngắn gọn. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành.
Tại họp báo Chính phủ chiều 9/11, Mekong ASEAN đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Tư pháp về các giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai pháp luật đồng thời phòng chống hành vi tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm; nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo đến từng Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức để thực hiện.
Để cải tiến và nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng văn bản pháp luật đồng thời phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, Chính phủ đang quyết liệt, tập trung chỉ đạo đồng bộ một số giải pháp. Trong đó, quán triệt định hướng, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nâng cao nhận thức về đổi mới tư duy, tập trung kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trên tinh thần dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hoá những quy định của nghị định, thông tư - vốn là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, các Bộ, ngành; không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, về trình tự, về hồ sơ.
Xây dựng pháp luật trên cơ sở thực tiễn
“Mục tiêu hướng tới của các luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, duy trì và đảm bảo trật tự an toàn để phát triển kinh tế xã hội... Luật phải minh bạch và dễ tiếp cận, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hoà và phát triển,” Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Trước mắt, bà Oanh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với những chính sách mới tạo bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó thu hẹp và xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Luật này sẽ đổi mới toàn diện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bắt đầu từ khâu lập chương trình đến lập đề nghị xây dựng, soạn thảo, thẩm định rồi thẩm tra,” Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh về định hướng mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, từ khâu lập chương trình xây dựng pháp luật mà Chính phủ trình Quốc hội, cần bám sát hai yêu cầu. Một là phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, trên cơ sở những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần phải tháo gỡ. Hai là từ những vấn đề mới, những thực tiễn phát sinh chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; hay những chủ trương mới của Đảng mà thể chế hóa chưa kịp thời hoặc chưa thể chế hóa.
Về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng phải đảm bảo 3 yêu cầu. Một là là bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian chi phí; nâng cao năng suất và chất lượng xây dựng pháp luật. Hai là bảo đảm đánh giá tác động chính sách một cách thực chất.
Ba là bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động là người dân, doanh nghiệp.
“Tuyệt đối không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật và không đẩy khó khăn cho dân, cho doanh nghiệp. Đặc biệt, luật phải quy định rõ trách nhiệm từng chủ thể, nhất là người đứng đầu từng khâu trong quá trình soạn thảo,” bà Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.