Trẻ em Palestine tại Rafah, Gaza nhận hỗ trợ thực phẩm từ một tổ chức nhân đạo ngày 6/12/2023. Ảnh: Mohammed Abed/AFP/Getty Images |
Theo hãng CNN, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đề cập đến tình hình tại Gaza, đồng thời kêu gọi các thành viên “ngăn chặn thảm họa nhân đạo” ở khu vực này. Ông Guterres cho biết cuộc xung đột đã tạo ra "sự đau khổ kinh hoàng cho con người, sự tàn phá về thể chất và chấn thương tập thể trên khắp Israel và Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng".
Bức thư viện dẫn Điều 99 của Hiến chương Liên Hợp Quốc liên quan tới quyền của Tổng thư ký trong việc đề cập với Hội đồng Bảo an “bất kỳ vấn đề nào mà theo quan điểm của ông có thể đe dọa đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.
Động thái này vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ phía Israel. Đặc phái viên của nước này tại Liên Hợp Quốc trong cùng ngày gọi tuyên bố của ông Guterres là "một sự suy thoái đạo đức mới" và cùng với Ngoại trưởng Israel kêu gọi ông từ chức.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc không phải người duy nhất cảnh báo về tình trạng nhân đạo tại Gaza. Trong cùng ngày 6/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hệ thống y tế của Gaza gần như đã sụp đổ hoàn toàn.
Phát biểu trên mạng xã hội X, ông khẳng định Gaza không thể để mất thêm một bệnh viện nào nữa do điều này “sẽ tước đi sự chăm sóc thiết yếu với mạng sống của hàng ngàn người”. Tính tới hiện tại, WHO đã ghi nhận ít nhất 212 cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng lĩnh vực y tế của Gaza kể từ ngày 7/10, khiến 19 bệnh viện ngừng hoạt động, 3 bệnh viện chỉ hoạt động ở mức tối thiểu và 14 bệnh viện hoạt động một phần.
Cảnh báo của Tổng Giám đốc WHO được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ Y tế Palestine Mai Al-Kaila hôm 5/12 cho biết, không có bệnh viện nào ở phía bắc Gaza có thể đáp ứng các hoạt động phẫu thuật, trong khi công suất tại các bệnh viện ở phía nam đã vượt quá 216%.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Cindy McCain cũng đưa ra cảnh báo về khả năng tiếp cận thực phẩm và nước uống hạn chế của người dân thường tại Dải Gaza. Ông nhận định hệ thống nhân đạo đang sụp đổ trong khi “mọi người ở Gaza đều đang chịu đói”.
Trong báo cáo mới nhất của mình, WFP cho biết 97% hộ gia đình Palestine ở khu vực phía bắc dải đất và 83% ở phía nam báo cáo mức tiêu thụ thực phẩm thấp. Dữ liệu cho thấy “khoảng 88% hộ gia đình ở các tỉnh miền Bắc và khoảng 54% hộ gia đình ở các tỉnh miền Nam đã phải nhịn ăn ít nhất một ngày một đêm trong 4 tuần qua vì không có đủ thức ăn”. Trong khi đó, có ít nhất 20% các hộ gia đình ở phía bắc và 14% ở phía nam đã phải làm việc này hơn 10 lần.
Việc thiếu gas để nấu ăn ở Gaza cũng khiến nhiều người phải dựa vào việc đốt rác thải và củi - những hoạt động có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, bao gồm nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, mức tiêu thụ nước sạch trung bình hàng ngày dao động trong khoảng 1,5-1,8 lít/người trên toàn khu vực Dải Gaza, thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ nước uống và vệ sinh tối thiểu 15 lít/người/ngày của thế giới.
Theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS), tổ chức này chỉ nhận được 80 xe tải viện trợ cho Gaza qua cửa khẩu cửa khẩu biên giới Rafah hôm 6/12 – một con số thấp hơn nhiều so với khoảng thời gian 2 bên Israel và Hamas ngừng bắn tạm thời trong 7 ngày.