Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters trích dẫn một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 15/10, ông Benjamin Netanyahu “đã nói với Tổng thống Pháp Macron rằng ông phản đối lệnh ngừng bắn đơn phương do điều này sẽ không thay đổi tình hình an ninh ở Lebanon và sẽ đưa đất nước trở lại trạng thái trước đây".
Thủ tướng Israel khẳng định rằng quốc gia này đang “thực hiện các chiến dịch chống lại lực lượng vũ trang Hezbollah để ngăn chặn nhóm này đe dọa tới công dân Israel ở phía bắc và giúp những người dân này có thể trở về nhà của mình an toàn”. Trước đây, ông Netanyahu cùng quân đội nước này đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phải có một vùng đệm dọc theo biên giới phía bắc của Israel với Lebanon, nơi không có sự hiện diện của các chiến binh Hezbollah.
"Thủ tướng Netanyahu đã làm rõ với Tổng thống Pháp Macron rằng Israel sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào không cung cấp sự đảm bảo này và không ngăn cản lực lượng Hezbollah tái vũ trang và tái tập hợp," tuyên bố từ văn phòng của ông cho biết.
Những phát biểu này được đưa ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gia tăng áp lực kêu gọi Israel phải tuân thủ các quyết định của Liên Hợp Quốc, cụ thể là nghị quyết được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 11/1947 về kế hoạch phân chia lãnh thổ thành các quốc gia Do Thái và Ả Rập riêng biệt.
Khi xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah, ông Macron đã kêu gọi các bên liên quan đồng thuận với một lệnh ngừng bắn cũng như chấm dứt việc cung cấp vũ khí được Israel sử dụng ở Dải Gaza và Lebanon. Văn phòng ông Macron cho biết việc này nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực gia tăng và "mở đường cho các giải pháp chính trị cần thiết cho an ninh của Israel và toàn bộ Trung Đông".
Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Thủ tướng Netanyahu. Trong một tuyên bố ngày 6/10, ông khẳng định: "Khi Israel chiến đấu với các thế lực do Iran lãnh đạo, tất cả các quốc gia văn minh nên kiên quyết đứng về phía Israel. Tuy nhiên, Tổng thống Macron và các nhà lãnh đạo phương Tây khác hiện đang kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel. Thật đáng xấu hổ cho họ".
Ngày 14/10, Pháp cũng bác bỏ yêu cầu của ông Netanyahu về việc phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL) rút khỏi vị trí của mình tại Lebanon. Ngoài ra, nước này cũng triệu tập đại sứ Israel liên quan tới các cáo buộc quân đội Israel tấn công các vị trí do UNIFIL nắm giữ ở miền nam Lebanon.
Ngày 13/10, UNIFIL cáo buộc 2 xe tăng Merkava của Israel đã phá hủy cổng chính một căn cứ của mình ở miền nam Lebanon và tiến vào bên trong. Sau khi xe tăng rời đi, các quả đạn pháo phát nổ cách đó 100m khiến khói bay khắp căn cứ và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều nhân viên. Trước đây, UNIFIL cũng từng cáo buộc các cuộc tấn công của Israel vào một tháp canh, camera, thiết bị liên lạc và đèn chiếu sáng đã hạn chế khả năng giám sát của lực lượng này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về thương vong và đau khổ của dân thường, sự phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự và số lượng người phải di dời tại Lebanon ngày càng gia tăng. Cơ quan này kêu gọi các bên "tôn trọng sự an toàn và an ninh của nhân viên UNIFIL và các cơ sở của Liên Hợp Quốc” cũng như tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó yêu cầu phải bảo vệ dân thường.