TPB hút tiền trong phiên 26/9. |
Kết phiên 26/9, VN-Index tăng hơn 4 điểm lên mốc 1.291,49 điểm, chỉ còn khoảng ngắn nữa là trở lại mức đỉnh năm 2024 (1.300 điểm). HNX-Index cũng tăng nhẹ còn UPCoM đứng tham chiếu. Thanh khoản vẫn duy trì mức cao với hơn 22.000 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh.
Khối ngoại mạnh tay mua ròng hơn với giá trị gần 1.000 tỷ đồng trên sàn HoSE (trên tổng số hơn 4.000 tỷ đồng giao dịch). Phiên hôm qua 25/9, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng hơn 500 tỷ đồng.
TPB được mua ròng mạnh nhất hơn 126 tỷ đồng. VNM, VHM và HDB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VCI 86 tỷ đồng; TCB, DXG, MSN, KDH hơn 50 tỷ đồng; SSI 47 tỷ đồng; MWG, CTG, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, STB hơn 30 tỷ đồng… Ngược chiều, HPG bị bán ròng mạnh nhất gần 70 tỷ đồng, kế đến là VPB 45 tỷ đồng; POW, SCS, MSB, EIB, NKG… hơn 10 tỷ đồng.
VN30 tăng gần 7 điểm lên mốc 1.350,85 điểm, chủ yếu nhờ sự bứt phá của các cổ phiếu ngân hàng. TPB tăng trần lên mức giá 16.650 đồng/cp, vùng giá cao nhất kể từ tháng 6/2022. HDB tăng gần 4% lên vùng đỉnh mới 28.300 đồng/cp. So với thời điểm gần cuối tháng 6/2024, cổ phiếu của HDBank đã tăng hơn 30% giá trị.
SSB tăng 2,1%, SHB tăng 1,9%; TCB, CTG tăng hơn 1%; STB, VPB tăng nhẹ. Chiều tăng trong nhóm VN30 còn có VNM +1,6%, SAB +1,2%, GVR +1,1%; GAS, MSN, PLX, SSI, VHM, VJC, VRE tăng nhẹ. VIC, POW, BID đứng tham chiếu. Các mã còn lại giảm không đáng kể.
Một số cổ phiếu ngân hàng nhỏ cũng tăng tốt, như MSB +5,4%, OCB +3%, EIB +2,6%, ABB +2,6%, VAB +2,1%... Chiều giảm chỉ có ACB, MBB, NAB, VCB, VIB, với mức giảm nhẹ.
Các nhóm ngành khác diễn biến phân hóa trong biên độ hẹp. Nhóm chứng khoán có DSC tăng tốt nhất với tỷ lệ 4,4%, lên giá 23.800 đồng/cp. Chứng khoán DSC vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) chấp thuận niêm yết với số lượng 205 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá hơn 2.048 tỷ đồng.
Trong nhóm còn có PSI, ORS, CSI tăng hơn 2%; AAS, SBS, VCI, VIG tăng hơn 1%; SSI, SHS, MBS, DSE tăng nhẹ. APS, BMS, EVS, TCI, TVC, VDS, VND, WSS. Các mã còn lại chủ yếu giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản ghi nhận TCH +2%, NVL +1,3%, KHG +1,3%, IJC +1,1%; VHM, DXG, KDH, VRE, NTL, KOS… giảm nhẹ. VIC, DIG, CEO, VPI, IDC… đứng tham chiếu. PDR, KBC, HDG, BCM, HDC, SZC, NLG, CKG… ở chiều giảm nhưng mức điều chỉnh cũng không đáng kể.
Nhóm thép có HPG giảm nhẹ, ngược lại HSG và NKG tăng nhẹ. TIS tăng tốt hơn 4%. VGS và TVN cùng đứng tham chiếu. SMC vẫn giảm mạnh gần 3%, lùi về vùng giá 7.850 đồng/cp. Kể từ đầu tháng 7/2024 tới nay, mã này đã giảm 60% giá trị, sau thông tin thua lỗ quý 2/2024.
Tình hình kinh doanh khó khăn, SMC mới đây thông báo chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng. Đây là khu đất khu công nghiệp có diện tích gần 27.731 m2 nằm tại quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Giá chuyển nhượng mà công ty đưa ra là hơn 96 tỷ đồng đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Từ cuối năm ngoái đến nay, Thép SMC liên tục rao bán tài sản. Trong quý 2 vừa qua, công ty có thêm hơn 170 tỷ đồng từ việc bán trụ sở nhưng vẫn thua lỗ do kinh doanh dưới giá vốn. Nhờ quý 1 tích cực nên kết quả 6 tháng đầu năm, công ty vẫn có lãi 89 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lỗ 386 tỷ đồng.
Tại các nhóm ngành khác, một số mã tăng tốt là BSR +3,3%, TCM +3,1%, LTG +3,7%, AGM tăng trần, HNG +2,3%...
Để chứng khoán Việt Nam thu hút mạnh hơn dòng vốn ngoại |
Công ty chứng khoán của Tập đoàn Thành Công đón tin vui |
VDSC: Áp lực tỷ giá không còn lớn |