Nhóm thép và chứng khoán kéo VN-Index vút bay, HPG được ‘bắt đáy’

HPG VN INDEX
16:22 - 01/08/2022
Nhóm ngân hàng và chứng khoán trở lại vị trí dẫn dắt thị trường.
Nhóm ngân hàng và chứng khoán trở lại vị trí dẫn dắt thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Với sự hợp lực của bộ ba “bank - chứng - thép”, chỉ số VN-Index hôm nay thăng hoa tăng 25 điểm, lên mốc 1.231,5 điểm. Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể, trong đó HPG của Tập đoàn Hòa Phát giao dịch sôi động với dòng tiền tuồn vào "bắt đáy".

Cùng với VN-Index, HNX-Index cũng tăng 6 điểm, lên mốc 294 điểm; UPCoM tăng 0,3 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 18.801 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối ngoại vẫn khá trầm lắng với giá trị giao dịch hơn 2.200 tỷ đồng.

Tín hiệu đáng mừng là họ mua ròng mạnh gần 700 tỷ đồng với SSI dẫn đầu chiều được mua (114 tỷ đồng). STB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng, tiếp sau là HPG, CTG, KBC, VCB, BID, DXG, GMD… Ngược lại, DGC và TLG là 2 mã dẫn đầu chiều bị bán ròng với giá trị hơn 30 tỷ đồng, theo sau là các mã VGC, FRT, DPM, PTB…

VN30 tăng tương ứng với VN-Index với mức tăng 24,2 điểm. Tất cả danh mục trong nhóm này đều ở chiều tăng giá khi kết phiên, trong đó SSI tăng trần. Nhiều mã ngân hàng tăng mạnh như CTG +5,5%, BID +4,6%, MBB +3,3%, VCB +3,1%... Đáng chú ý, HPG cũng “cất cánh” với mức tăng 6%.

VN-Index và VN30 có phiên thăng hoa với thanh khoản cải thiện. SSI

VN-Index và VN30 có phiên thăng hoa với thanh khoản cải thiện. SSI

Đã rất lâu, bộ ba “bank, chứng, thép” mới đồng thuận kéo chỉ số. Trong đó, chứng khoán là nhóm tăng tốt nhất với tỷ lệ vốn hóa tăng gần 6%. Ngoài SSI thì VND, FTS, CTS cũng tăng trần, đa số các mã còn lại đều tăng mạnh 4-10%. Đáng chú ý, VND của VNDirect là mã có giao dịch đột biến phiên hôm nay với 42,5 triệu cổ phiếu được sang tay.

VND là công ty chứng khoán hiếm hoi vẫn được duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong nửa đầu năm 2022, với doanh thu hoạt động và lãi sau thuế lần lượt đạt hơn 3.600 tỷ đồng và gần 1.300 tỷ đồng, tăng 67% và 42% so cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận mảng tự doanh của công ty đạt gần 276 tỷ đồng, tăng hơn 55% so cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết.

Từ mức đỉnh 35.000 đồng hồi đầu tháng 4, VND từng giảm về vùng giá 15.000 đồng trong phiên 20/6. Từ đó đến nay, mã bắt đầu phục hồi và sau phiên tăng trần hôm nay đã về lại mức 20.400 đồng.

HPG cũng đạt khối lượng giao dịch lớn với hơn 38 triệu đơn vị, kết phiên ở mức giá 22.800 đồng. Tuy nhiên cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đã lình xình ở vùng này hơn 1 tháng qua, chưa có động lực để bứt phá. Trong quý 2 vừa qua, lãi sau thuế của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép giảm mạnh về 4.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận cũng lao dốc về 11%. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, nhu cầu và giá bán thép giảm mạnh, thị trường tiền tệ có nhiều biến động khiến Hòa Phát lỗ chênh lệch tỷ giá 1.270 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh kém sắc trong khi doanh nghiệp vừa phát hành thêm 1,3 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Nhưng cổ phiếu của Hòa Phát lại không có nhiều biến động cho thấy tin xấu đã phản ánh hết vào giá trước đó. Thời gian tới, dù chưa có động lực đi lên nhưng giá HPG khả năng khó giảm sâu thêm.

Diễn biến cổ phiếu HPG thời gian qua. TradingView

Diễn biến cổ phiếu HPG thời gian qua. TradingView

Ngoài bộ ba “bank, chứng, thép” thì hầu hết các nhóm ngành còn lại cũng kết phiên trong sắc xanh. Duy chỉ có nhóm nông nghiệp ở chiều giảm. Lực kéo đến từ HNG khi mã này giảm 6,3%. BAF cũng giảm hơn 3%. Trong khi HAG và ASM vẫn tăng gần 2%.

HNG của Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đi ngược thị trường có thể do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý 2, khi lỗ ròng 557 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, HNG đạt doanh thu 362 tỷ đồng, giảm 29% và lỗ ròng 670 tỷ đồng, lỗ gấp 5,5 lần cùng kỳ. Khoản lỗ luỹ kế của HNG tính đến thời điểm 30/6/2022 là 4.097 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm hơn một nửa còn 2.852 tỷ đồng.

Nhìn chung trong phiên hôm nay, tâm lý nhà đầu tư đã được cải thiện đáng kể, nhờ những thông tin tích cực tác động tới chứng khoán thế giới như Thông điệp của Fed về các chính sách nới lỏng tiền tệ, đà tăng lãi suất có thể giảm dần vào cuối năm, biên độ tăng lãi suất sẽ không cao, báo cáo tài chính quý 2/2022 khá sáng, T+2 dự kiến sẽ triển khai trong tháng 8…

Chỉ số VN-Index đã vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.220 điểm (kháng cự MA50) với thanh khoản cải thiện tích cực. Đặc biệt, sự trở lại khá tích cực của các nhóm cổ phiếu trụ cột "bank, chứng, thép" mang lại kỳ vọng về nhịp hồi phục dài hơi của thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp