Nữ doanh nhân trẻ tuổi Trixie Chua, người thổi hồn mới cho những bộ samfu truyền thống. Ảnh: Dear Samfu |
Sườn xám ngày một trở nên phổ biến dưới tư cách một món đồ cố định trong tủ quần áo của nhiều phụ nữ người Hoa tại Singapore khi ngày càng nhiều người tìm về những giá trị truyền thống. Tuy vậy, một “người chị em” ít thông dụng hơn của nó là samfu – hay tiếng Trung phổ thông còn được gọi là shanku (sam khố) lại ít được biết tới hơn. Samfu thường được những người bà thời trước mặc hàng ngày và là phiên bản đời sống có nhiều tác dụng thực tế hơn sườn xám.
Trong tiếng Quảng Đông, samfu là từ dùng để chỉ áo sơ mi và quần. Tuy nhiên trước khi sự bùng nổ của thời trang nhanh mang tới cho phụ nữ hàng loạt các mẫu quần áo đa dạng từ áo khoác dạ, váy ngắn hay váy maxi thì những món đồ này là những món đồ chủ yếu trong tủ quần áo của những người phụ nữ Trung Quốc từ thế hệ những người bà trở về trước.
Samfu không những có thể được sử dụng hàng ngày mà còn có thể được dùng cho các dịp khác. Ảnh: Dear Samfu |
Nhờ tính đa dạng trong họa tiết và thiết kế của nó, những người bà có thể sử dụng nó trong mọi mục đích từ làm việc nhà, đi thăm họ hàng tới tham dự đám cưới. Trên hết, các mẫu trang phục này cũng được thiết kế để có thể được sử dụng trong một khoảng thời gian dài mà không hỏng. Tại Singapore và nhiều quốc gia khác có cộng đồng người Hoa, nhiều cụ bà trong độ tuổi 80 và 90 thậm chí vẫn còn sở hữu những món đồ có tuổi đời hàng chục năm mà không vứt bỏ chúng.
Đối với doanh nhân Trixie Chua, đây không những là hình ảnh đẹp của những giá trị xưa được lưu giữ mà còn là mô hình thu nhỏ của thời trang bền vững thời hiện đại. Với ý tưởng đó trong đầu, cô đã bắt đầu nhãn hiệu Dear Samfu của mình vào năm 2020 trong nỗ lực đem phong cách thời trang đặc trưng của những người bà trở lại với giới trẻ. Kể từ khi được thành lập, nhãn hiệu của cô đã bán được khoảng 1.000 bộ quần áo cho nhiều phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 25 tới 35 – làm sống lại thời kỳ của những bộ samfu mini.
Theo mô tả của cô Trixie Chua, các bộ sưu tập của cô “không đi theo bất cứ trào lưu nào nhưng luôn có phong cách”. Bằng cách hiện đại hóa samfu, cô lấy cảm hứng từ các trang phục của những người bà để thổi làn gió mới vào các trang phục váy và áo. Thêm vào đó, cô cũng tận dụng họa tiết hoa không bao giờ lỗi mốt cùng các mẫu vải in hình học, kẻ sọc và kẻ caro cùng các loại vải thô trơn còn sót lại từ các nhà máy lớn hơn. Việc này giúp nhãn hàng của cô tiết kiệm được hơn 1.600m vải từ các bãi chôn lấp, đúng với tinh thần của thời trang bền vững mà cô đang hướng tới.
Những người bà với bộ samfu cũng có thể trở thành những nàng thơ trong thời trang. Ảnh: Dear Samfu |
Dear Samfu đem đến các thiết kế samfu với hoạt tiết hoa nhưng kiểu dáng được hiện đại hóa. Ảnh: Dear Samfu |
Các mẫu samfu được hiện đại hóa đem đến không những chỉ cảm giác năng động mà còn giúp người mặc nhớ về cội nguồn và trân trọng bộ đồ hơn .Ảnh: Dear Samfu |
Những người bà cũng có thể trở thành những nàng thơ
Bản thân là một người đam mê các xu hướng thời trang thời thượng như bao người khác, cô Chua chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày hình ảnh những người bà bình dị lại có thể trở thành nàng thơ của mình. Trước đây, cô không phải người có một phong cách thời trang rõ ràng nhưng vẫn luôn có những mẫu bưu kiện quần áo mới gửi tới nhà mỗi ngày. Cô sở hữu nhiều trang phục tới mức không rõ mình có những gì trong tủ quần áo.
Tuy nhiên bước ngoặt tới vào năm 2019 khi loạt series truyền hình Tidying Up cùng Marie Kondo đã truyền cảm hứng cho cô quản lý lại tủ quần áo của mình. Đây chính là một sự thức tỉnh với Trixie Chua. Khác với bà của mình, người chỉ có một tủ đồ nhỏ với khoảng 20 bộ đồ bao gồm các bộ samfu đơn giản mặc hàng ngày và những bộ cầu kỳ hơn cho các dịp lễ tết, cô nhận ra trong tủ đồ của mình có quá nhiều bộ quần áo không được dùng tới.
Cảm thấy thích thú bởi những họa tiết độc đáo và sự bền vững của những bộ đồ này, cô bắt đầu tìm mua vài mẫu samfu trên Carousell và từ các bạn bè của mình. Tất cả những điều này đã giúp cô ra mắt bộ sưu tập samfu đầu tiên của riêng mình hồi tháng 5/2020.
Dear Samfu hướng tới hiện đại hóa các mẫu trang phục xưa của những người bà để tạo nên cá tính riêng biệt cho người mặc. Ảnh: Dear Samfu |
Vì sao lại chọn samfu?
Trixie Chua tin rằng samfu có thể giúp nhiều phụ nữ tự xây dựng tủ quần áo hiện đại những vẫn cá tính của riêng mình so với váy đen và quần jeans. Theo cô, những mẫu trang phục bất hủ không nhất định phải là kiểu thời trang nhạt nhẽo. Tuy nó không theo bất cứ mùa nào, các họa tiết và thiết kế của nó cũng cho phép người mặc làm nổi bật phong cách riêng cũng như sự tinh tế của mình. Trên hết, tuy samfu thường đi theo bộ, người mặc cũng hoàn toàn có thể tự kết hợp các họa tiết mình thích và cảm thấy tự hào về nó.
So với sườn xám – phiên bản trang trọng và cầu kỳ hơn – samfu cũng thực dụng hơn nhiều. Cô Trixie cho biết nguyên nhân mà các bộ đồ này thường đi kèm với quần là bởi vì những người phụ nữ trước đây cần phải ngồi xổm xuống để giặt quần áo nên họ cần một kiểu trang phục tiện dụng. Ngoài ra, sườn xám thường chỉ được mặc trong các dịp Tết hay lễ cưới nhưng samfu có thể được mặc hàng ngày và thậm chí cả trong các dịp khác.
Ngoài các vấn đề về hình thức và công dụng, cô Chua cũng muốn mang các đặc điểm tư duy thời trang của thế hệ trước tới với thế hệ trẻ hiện đại của Singapore và hơn thế nữa. Theo cô, thuật ngữ “thời trang bền vững” mới chỉ xuất hiện gần đây nhưng thế hệ những người bà đã thể hiện những giá trị này từ trước đó. Bằng những tác phẩm được tuyển chọn và thiết kế mang tính cá nhân cao, cô hy vọng những người phụ nữ sẽ trân trọng trang phục của mình lâu hơn.
Người dùng có thể tùy ý phối samfu để tạo nên cá tính cho riêng mình. Ảnh: Dear Samfu |
Ảnh: Dear Samfu |
Ảnh: Dear Samfu |
Samfu và tính bền vững
Để giảm lãng phí tài nguyên, Dear Samfu sử dụng vải deadstock là loại vải cuối cuộn do các nhà sản xuất và nhà máy lớn ở Thái Lan và Campuchia thải ra. Đối với nhiều người, vải deadstock có nhiều nhược điểm hơn là ưu điểm do nó khiến người dùng bị hạn chế bởi mẫu mã, chất liệu hay số lượng vải còn lại.
Tuy nhiên thay vì nhìn nhận những điều này là hạn chế, Dear Samfu lại coi những yếu tố này là cách giúp các thiết kế trở thành những phiên bản giới hạn. Theo cô, các bộ đồ của Dear Samfu thường chỉ bán được với số lượng ít hơn 100 bộ cho mỗi thiết kế và một khi chúng được bán hết, có khả năng cao mẫu mã đó sẽ không được bổ sung lại.
Các hạn chế của vải deadstock được Dear Samfu coi nó như mt ưu điểm. Ảnh: Dear Samfu |
Đối với cô Trixie Chua, nỗi nhớ và sự hoài cổ chính là một hình thức bền vững của riêng Dear Samfu. Bản chất của việc này chính là quay trở lại mô hình thời trang bền vững trước khi thời trang nhanh thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của chúng ta.
Cô tâm sự rằng mỗi khi đến thăm bà, cô thường được nghe bà kể về những câu chuyện quá khứ và có cơ hội được suy nghĩ về cuộc sống theo cách khác, theo cách trân trọng mọi thứ hơn. “Từ quần áo đến chiếc lược và chiếc đài của bà, bà tôi luôn trân trọng và sử dụng lại những thứ đó vì đây chính là nhớ về cội nguồn của mình”.
Đây cũng là lý do tại sao cô tôi liên kết samfu với sự thận trọng và khiêm tốn. Đối với Dear Samfu, thời trang bền vững nhất chính là trân trọng những gì bạn có và mặc những phong cách vượt thời gian mà bạn yêu thích.
Do tính hạn chế số lượng, các mẫu samfu của Dear Samfu thường chỉ được ra mắt với số lượng dưới 100 bộ và không restock .Ảnh: Dear Samfu |
Sự giới hạn của vải deadstock cũng khiến các mẫu samfu trở thành các thiết kế giới hạn độc đáo. Ảnh: Dear Samfu |