Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. |
Số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,43% trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ thấp hơn mức cùng kỳ năm 2022. Trong giai đoạn này, nhiều địa phương trên cả nước đều chứng kiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng mạnh.
Có 7 địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP 2 chữ số gồm: Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,5%), Hà Nam (10,35%), Hải Phòng (10,32%), Trà Vinh (10,27%), Hải Dương (10%).
Tình hình kinh tế của Bắc Giang tiếp tục khởi sắc và duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm tăng 14,14%, dẫn đầu cả nước.
Trong đó, 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp - xây dựng tỉnh tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 315.140 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,81% so với cùng kỳ. Quy mô đạt khoảng trên 22.140 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch.
Thu ngân sách có nhiều chuyển biến, tăng cao hơn cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt trên 9.800 tỷ đồng, tăng 28,3% so cùng kỳ, bằng 61,2% dự toán. Có 11/15 khoản thu và 9/10 huyện, thành phố đạt trên 50% dự toán.
Đứng thứ hai là Khánh Hòa với GRDP 6 tháng đầu năm đạt 12,73%. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 28,84%. Đây là khu vực có mức tăng cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 62.585,4 tỷ đồng, tăng 15,2%. Doanh thu du lịch ước đạt 27.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, với khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 3,3 lần.
Trong kỳ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 17%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 626,7 triệu USD, tăng 8,8%. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 8.851 tỷ đồng, đạt 53% dự toán và bằng 116,2% cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ ba, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng, tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và đứng thứ 3 cả nước.
Thu ngân sách Nhà nước ước của tỉnh đạt 27.348 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ, bằng 76,9% dự toán. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì đà phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3,4%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an ninh rừng được đảm bảo. Toàn tỉnh trồng được 6.100 ha rừng tập trung, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Hải Phòng dẫn đầu tăng trưởng các thành phố trực thuộc Trung ương
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng tiếp tục là địa phương có tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm cao nhất với mức tăng 10,32%. Xếp sau lần lượt là TP HCM với GRDP 6,5%; Cần Thơ với 6,08%; Hà Nội với 6%; Đà Nẵng với 5%.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đạt được kết quả tích cực, quý sau cao hơn quý trước: quý 1 tăng 13,31%, quý 2 tăng 17,12%. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 4,27 triệu lượt, tăng 16,25% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 502,6 nghìn lượt, tăng 1,91% so với cùng kỳ.
TP HCM đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP cả nước
6 tháng đầu năm, theo số liệu Tổng cục Thống kê, có 5 địa phương có tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước lớn. Dẫn đầu là TP HCM chiếm 15,75% GDP cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng 6,46% so với cùng kỳ, tốc độ cao nhất kể từ 2020, theo Cục Thống kê thành phố.
Trong 6 tháng qua, thương mại dịch vụ và công nghiệp - xây dựng TP HCM tiếp tục giữ tỷ trọng lớn, là lực đỡ cho đầu tàu kinh tế. Trong đó, thương mại dịch vụ chiếm 65,6% cơ cấu, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (7,26%) và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, với 4,34 điểm phần trăm.
Theo Cục Thống kê TP HCM, thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 10%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng TP HCM tăng 5,6%, cao nhất 3 năm qua. Sản xuất cải thiện góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu đạt 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Đứng thứ hai về tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước là Đồng Nai khi chiếm 4,23% GDP cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%. Tiếp theo lần lượt là TP Hải Phòng chiếm 3,71% cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng 10,32%. Tỉnh Quảng Ninh chiếm 2,97% GDP cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng 9% và tỉnh Thanh Hóa chiếm 2,75% GDP cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng 11,49%.