Những doanh nghiệp Việt tiên phong tiến vào thị trường Anh

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
17:16 - 16/12/2021
Chuyến bay thẳng đầu tiên Việt Nam - Anh của Bamboo Airways hồi tháng 11/2021. Ảnh: BA
Chuyến bay thẳng đầu tiên Việt Nam - Anh của Bamboo Airways hồi tháng 11/2021. Ảnh: BA
0:00 / 0:00
0:00
Qua chia sẻ của các doanh nghiệp đi trước, để bắt đầu "tiến quân" vào thị trường Anh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ về thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và nhanh chóng chuyển đổi số.

Anh là thị trường lớn với nhu cầu rất cao, có khối lượng nhập khẩu đứng thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này mới chiếm 1% tỉ trọng, như vậy dư địa cho các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ tháng 5/2021 cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường này.

Bất chấp ảnh hưởng COVID-19, trong 10 tháng năm 2021, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt - Anh đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy thương mại giữa hai nước đang vận động theo chiều hướng tích cực sau UKVFTA.

Tận dụng lợi thế của UKVFTA

Tận dụng lợi thế của UKVFTA

Chia sẻ tại hội thảo về triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19, ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc cấp cao phụ trách thương mại của Bamboo Airways cho biết, hãng hàng không này xác định bước đầu tiên để thâm nhập thị trường Anh là cần phải tìm hiểu kĩ càng về nhu cầu, thói quen, mối quan tâm của người tiêu dùng và cả các đối thủ cạnh tranh. Để từ đó tìm ra phương hướng phát triển và tạo ra sự đặc trưng cho doanh nghiệp của mình.

Việc chuẩn bị này có thể kéo dài một vài năm, cho tới khi doanh nghiệp và sản phẩm có thể sẵn sàng đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường. Như Bamboo Airways từ năm 2018 đã đặt mua 20 chiếc máy bay thân rộng Boeing 787, nhằm hướng tới hai mục tiêu. Thứ nhất là hoạt động chở khách hàng với dịch vụ 5*, phục vụ tốt nhất với giá cả hợp lý. Song song với đó là dịch vụ vận tải hàng hóa với mức giá cả tiết kiệm nhất.

Phải sau 3 năm dày công chuẩn bị, cuối năm 2021, Bamboo Airways mới có thể mở đường bay thẳng từ Việt Nam tới London. Trong bối cảnh chi phí logistics bị đẩy cao bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và khan hiếm phương tiện vận chuyển, hãng muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dự kiến sẽ chuyên chở được 4.000 tấn hàng trong năm 2022 với những chuyến bay hàng ngày.

Yếu tố quan trọng khác để doanh nghiệp có thể sẵn sàng tham gia vào thị trường Anh là chất lượng sản phẩm. Bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ, kinh nghiệm phát triển mặt hàng thời trang của công ty này ở thị trường Anh đề cao chất lượng sản phẩm.

Ảnh tác giả

Chất lượng sản phẩm tốt chính là yếu tố thu hút khách hàng trên mọi thị trường.

Bà Hoàng Hương Giang, Giám đốc điều hành, Tổng công ty May 10

Bà Giang cho biết công ty đã xây dựng bộ phận thị trường và thiết kế nhanh, nhằm có thể sớm nhất đưa ra mặt hàng phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của thị trường. Nhờ vậy, May 10 nhanh chóng có được một lượng khách hàng ưa chuộng sản phẩm của mình tại Anh.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng áp dụng các lợi thế của UKVFTA để có thể giảm giá thành, đưa ra các chính sách khuyến mãi, thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Bên cạnh đó, May 10 cũng có hệ thống giám sát chặt chẽ, thường xuyên cho phép các đối tác khách hàng được kiểm tra, đánh giá để đảm bảo luôn tuân thủ các quy định của quốc gia bạn hàng như các giá trị xã hội, tính minh bạch và thân thiện với môi trường.

Để có được sự minh bạch thì chuyển đổi số là yếu tốt không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Việc áp dụng số hóa cho toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu mua và chọn nguyên liệu tới những bước trang trí cuối cùng để cho ra sản phẩm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong quản lý tài chính và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, số hóa thông tin thông tin khách hàng cũng là cách để doanh nghiệp thuận tiện hơn khi chăm sóc khách hàng.

Nói về chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc FPT, cũng cho biết chuyển đổi số hiện đang là xu thế của thế giới, và Anh đang là một thị trường mới hấp dẫn mà các công ty công nghệ thông tin của Việt Nam có thể hướng đến. Anh hiện đang là quốc gia có mức vốn đầu tư mạo hiểm lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, khi đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 qua đi, nguồn tài chính đầu tư về lĩnh vực này của Anh bắt đầu để ý tới Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam còn cần tạo ra được sự khác biệt để cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ quốc gia vốn mạnh về công nghệ thông tin và đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của khách hàng.

Ngoài ra, từ câu chuyện của FPT, ông Cường chia sẻ một hướng đi khác để bắt đầu phát triển tại thị trường nước ngoài cũng như thị trường Anh cho các doanh nghiệp Việt Nam đó là việc mua bán sát nhập (M&A). Sắp tới, FPT sẽ thực hiện 3 thương vụ sát nhập để bắt đầu kinh doanh ở các nước khác trong EU.

Đồng tình với ông Cường, bà Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết phương thức này đang trở thành một xu thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt với các doanh nghiệp châu Á khi muốn “tiến quân” sang các thị trường lớn. Có thể thấy như thương vụ sát nhập của Grab với Altimeter, hay thậm chí chính FPT cũng đang sử dụng phương thức này để thâm nhập vào thị trường Đức trong năm 2022

Bà Hạnh cũng cho hay, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam hiện đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tư vấn và chương trình cho vay vốn để các doanh nghiệp thực hiện các thương vụ sát nhập với một công ty nước ngoài. Đây là hướng đi mới an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn có các dịch vụ tư vấn, cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về doanh nghiệp đối tác của Anh như danh tiếng, khả năng tài chính, uy tín, độ tin cậy,… nhằm đảm bảo sự an toàn, trong giao thương, nhất là ở bước thanh toán.

Tin liên quan

Đọc tiếp