Quang cảnh Lahaina nhìn từ trên cao. Ảnh: CNN |
Theo hãng tin CNN trích dẫn thông báo của chính quyền Quận Maui, có thêm 12 trường hợp tử vong do cháy rừng được xác nhận vào chiều ngày 11/8. Cùng với 36 trường hợp tử vong được xác nhận ngày 9/8 và 19 trường hợp được xác nhận ngày 10/8, tổng số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng của Hawaii chạm mốc 67 người.
Con số trên biến vụ cháy này trở thành thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử tiểu bang Hawaii, vượt qua cả con số 61 người thiệt mạng do sóng thần Hilo năm 1960. Trong khi đó tại Lahaina, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất, các nhà chức trách địa phương cho biết ngọn lửa mới được kiểm soát 85% trong khi các đội cứu hộ vẫn chưa thể tìm kiếm bên trong 1.000 công trình kiến trúc bị hư hại.
Nhận định với kênh truyền hình MSNBC, Thượng nghị sĩ Brian Schatz của Hawaii cho biết: “Vẫn chưa có ai đặt chân vào các công trình bị đốt cháy và đây là nơi chúng tôi dự đoán rằng số người chết sẽ gia tăng đáng kể”.
Ngoài ra, các nhà chức trách Hawaii cũng đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ cháy cũng như phản ứng của các quan chức nhằm ứng phó với vụ cháy này, với Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez sẽ dẫn đầu cuộc “đánh giá toàn diện”. Chưa có kết quả chính thức nào được đưa ra, tuy nhiên Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết một phản ứng có tổ chức của chính quyền địa phương đã bị cản trở do mất điện và hư hỏng mạng lưới viễn thông.
Trong bối cảnh các cuộc điều tra diễn ra, các cư dân có giấy tờ tùy thân chứng minh nơi cư trú và du khách có bằng chứng đặt phòng khách sạn từ 11/8 đã được phép quay lại khu vực bị đám cháy ảnh hưởng. Tuy nhiên, khoảng 80% Lahaina đã bị phá hủy trong ngọn lửa cùng với nhiều khu dân cư, cửa hàng lâu đời cũng như nhiều di sản văn hóa.
Nhiều cư dân Lahaina quay trở về nhà chỉ để tìm thấy đống đổ nát màu đen xám với một số bức tường bê tông và đá đứng trơ trọi và nhiều ô tô bị cháy. Theo lời của những người sống sót, giao thông tắc nghẽn khi ngọn lửa tới ngày càng gần, buộc nhiều người phải bỏ tài sản của mình và chạy xuống biển để thoát thân.
Các công trình bị phá hủy bao gồm khách sạn Pioneer – khách sạn lâu đời nhất tại Hawaii và được xây dựng lần đầu vào năm 1901. Ông Bill Wyland – chủ một phòng trưng bày - cũng trả lời với CNN rằng nơi này của ông đã biến mất hoàn toàn cùng với các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên cách đó vài trăm mét, nét đặc trưng lớn nhất của Lahaina trong hơn 1 thế kỷ là cây đa vẫn đứng vững dù đã bị cháy đen. Theo ông Wyland, một Lahaina mới và tốt hơn trước đây có thể sẽ xuất hiện, nhưng lịch sử của thủ đô cũ Vương quốc Hawaii hiện đã không còn nữa.
Người nông dân địa phương tên là Eddy Garcia cho biết, ông vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì đã xảy ra. Ông miêu tả ngọn lửa lây lan rất nhanh, khiến “mọi ngôi nhà ở Lahaina biến mất” và tạo nên một khung cảnh tựa như “ngày tận thế”.
Khoảng 80% Lahaina, Hawaii đã bị cháy rụi. Ảnh: Reuters |
Nhiều người dân bị mất nhà và toàn bộ tài sản của mình trong trận cháy rừng tại Lahaina, Hawaii. Ảnh: Reuters |
Nhiều công trình lâu đời và nhiều dấu ấn văn hóa của Lahaina đã bị phá hủy trong ngọn lửa. Ảnh: Reuters |