Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu được Chính phủ đề ra là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4-4,5%).
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh
Nghị định nêu rõ quan điểm điều hành của Chính phủ, theo dõi sát tình hình, phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả theo tinh thần chủ động "tấn công, phòng ngự" từ sớm, từ xa, ngay từ nơi xuất phát, từ cơ sở.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, không điều hành giật cục. Phối hợp đồng bộ các chính sách, phù hợp với tình hình thị trường.
Đồng thời, tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh.
Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật
Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết, nhiệm vụ được đề cập đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các Bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu khẩn trương trong tháng 6/2024 hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và ban hành theo thẩm quyền các Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Giá, Luật các tổ chức tín dụng…
Rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách Nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật thuế, Luật Dược…
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024 quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, một số Bộ trưởng, Trưởng ngành là thành viên để chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các động lực tăng trưởng kinh tế
Chính phủ xác định cần tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, chủ động có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản.
Tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý, quy hoạch, các dự án có khả năng thanh khoản tốt.
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Chính phủ tiếp tục triển khai là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt đầu tư tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ. Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết. Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, trong đó quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trong tháng 6 năm 2024.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn vốn Nhà nước cho đầu tư phát triển.
Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài theo đúng thời hạn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Trong đó, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về việc xử lý các khoản nợ thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại SBIC.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt trong tháng 6 năm 2024, xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Ủy ban Quản lý vốn khẩn trương hoàn thiện phương án xử lý đối với: Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt - Trung, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Bộ Y tế khẩn trương có phương án xử lý đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không để chậm trễ hơn nữa, kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Chính phủ yêu cầu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. |
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát lạm phát
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu chung, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể.
Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhất là điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá...