Những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

Những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

KINH TẾ Việt nAM
14:19 - 11/03/2022
Sau một năm bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành nặng nề, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng có ba trụ cột chính, gồm tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư, có thể giúp Việt Nam tăng trưởng và phát triển hơn trong năm 2022.

Năm 2021 khép lại với nhiều thành tựu khả quan mặc dù đây là một năm đầy sóng gió do nhiều khó khăn từ dịch bệnh COVID-19 với liên tiếp các đợt giãn cách kéo dài, làm kìm hãm sự tăng trưởng của các ngành và doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với Mekong Asean, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, bước sang năm 2022 Việt Nam cần phải tập trung phát triển 3 trụ cột chính bao gồm tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư.

Một trong những trụ cột chính của kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng là bài toán khó nhất trong khâu kinh doanh, sản xuất đó là vấn đề liên quan đến tiêu dùng nội địa. Nhiều năm nay, câu chuyện được mùa mất giá của các sản phẩm nông nghiệp vẫn tồn đọng mà chưa có cách nào khắc phục được. Việt Nam là một thị trường nội địa tiềm năng với tổng mức tiêu dùng của toàn dân chiếm tới 65 - 70% GDP.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam vẫn còn nhiều sự trì trệ không đáng có ở lĩnh vực tiêu dùng nội địa.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, tuy hệ thống nội địa hiện nay phát triển rất tốt với khoảng 9.000 chợ, 1.200 siêu thị, 200 trung tâm thương mại và khoảng 3.000 cửa hàng siêu thị mini tự chọn. Song, “cổ họng” của hệ thống phân phối vẫn còn rất yếu, không tiếp nhận hàng Việt một cách đầy đủ, thậm chí còn chèn ép hàng Việt ở trên thị trường. Ngoài ra vấn đề về chiết khấu của một số nhà thao túng bán lẻ trên thị trường còn cao.

Đặc biệt, hình thức "mua đứt bán đoạn" qua nhiều trung gian là chủ yếu, hầu hết người bán buôn hàng hóa không ai chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng hàng hóa của mình. Hiện tượng thao túng, ép giá mua, giá bán của một số thương lái và một số nhà bán lẻ hiện đại có thế mạnh hiện nay dẫn tới thua thiệt cho người sản xuất ra của cải vật chất xã hội, đặc biệt là người nông dân Việt Nam.

Một vấn đề nữa khác liên quan đến việc các khu chợ tại Việt Nam đã bị bỏ quên nhiều năm nay, trong khi siêu thị bán có 8% hàng tươi sống, còn lại 92% là ở chợ, nhưng người tiêu dùng lại ít bận tâm đến vấn đề này. Mặt khác, giá tại siêu thị của Việt Nam luôn cao hơn 30% đến 40% giá bán chợ, trong khi ở các nước phát triển siêu thị lại rẻ hơn từ 20% đến 30%. Do đó, cũng cần phải tổ chức lại hệ thống chợ, tránh việc các siêu thị thao túng thị trường, đẩy giá bán lên cao.

Ngoài ra, Bộ Công Thương, Hiệp hội ngành bán lẻ, các Sở Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng cần có những giải pháp, những phương án, đề xuất để cải tổ lại hệ thống phân phối. Các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vươn lên, phải làm chủ hệ thống phân phối để không mất đi lợi nhuận sản xuất của mình.

Trụ cột chính thứ hai là xuất khẩu, lĩnh vực mà Việt Nam đạt nhiều thành tựu vượt bậc ngay cả trong năm đại dịch hoành hành vừa qua. Năm 2021, tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam tăng 19% so với cùng kỳ 2020, đạt mức xuất nhập khẩu 668 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 336 tỷ USD.

Mặc dù vậy, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, vẫn còn một số vấn đề cần phải chú ý để đảm bảo cho việc xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng bền vững trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, xuất khẩu nông sản còn bấp bênh, chỉ tập trung vào vài thị trường chính, ví dụ như Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê tháng 2/2022 xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 47% so với tháng trước đó, do các quy định của Trung Quốc liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu cũng như các vấn đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ hai là sản lượng hàng hóa, nhất là nông sản tại Việt Nam tuy nhiều nhưng phân tán, không tập trung, không có kho dự trữ khiến chất lượng xuống cấp và hao hụt rất lớn. Đây là vấn đề cần chú ý khi nhắc về chất lượng hàng nông sản.

Thứ ba, Việt Nam chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà bán lẻ các nước mà phải thông qua nhà nhập khẩu, không có đại diện thương mại ở hầu hết các nước. Việt Nam thiệt thòi hơn khi chưa có các thương hiệu hàng hoá xuất khẩu, vẫn phải qua trung gian mua bán.

Thứ tư xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều tồn tại phải khắc phục như hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị đem lại cho đất nước còn khiêm tốn. 70% kim ngạch xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI, nguyên nhiên vật liệu để sản xuất phụ thuộc hầu hết vào một số nước, chi phí sản xuất, xuất khẩu còn cao, thị trường xuất khẩu chưa ổn định và vững chắc. Thậm chí, có nhóm hàng Việt Nam quá phụ thuộc vào 1-2 quốc gia nhập khẩu.

Ngoài ra, sự sáng tạo, đổi mới, tự lực trong sản xuất và xuất khẩu còn ít, do hàng của Việt Nam sản xuất chưa có hệ thống phân phối chính thức tại các nước. Đặc biệt, nhiều mặt hàng sản xuất xong khi ra khỏi biên giới lại mang nhãn mác, hàng hóa của nước ngoài.

"Sự sáng tạo đổi mới, tự lực tự cường trong sản xuất xuất khẩu còn ít. Đặc biệt, là còn yếu tại 2 khâu chế biến sâu và tổ chức thị trường tiêu thụ một cách vững chắc. Hàng của Việt Nam sản xuất chưa có hệ thống phân phối chính thức tại các nước. Nhiều mặt hàng sản xuất xong khi đi ra khỏi biên giới đã mang mác nhãn hàng hóa của nước ngoài", ông Phú chia sẻ thêm.

Do các lý do trên, việc đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực xuất khẩu là điều cấp thiết. Điều này sẽ làm giảm bớt nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, giúp Việt Nam chủ động trong sáng tạo và thiết kế sản phẩm, từ đó cũng giảm bớt gia công trong hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vấn đề phát sinh thời gian gần đây, đó là việc Mỹ cấm vận thanh toán thẻ tín dụng Swift đối với Nga, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam hiện chủ yếu được xử lý qua dịch vụ Chuyển tiền quốc tế bằng hệ thống Swift. Tuy vẫn có thể thay thế bằng cách khác như thư tín, Telex nhưng cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng.

Một trụ cột khác cũng góp phần tạo lên một Việt Nam vững mạnh về kinh tế chính là đầu tư. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú: “Khi nước ta thu hút hiệu quả được vốn đầu tư trong và ngoài nước thì sẽ tạo nên các nhà máy sản xuất hàng hoá, các trang trại nông nghiệp trồng trọt chăn nuôi phát triển.”

Khi đó, nhiều con đường, sân bay, bến cảng được hình thành và trở thành cú huých mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam. Ngoài ra, khi đầu tư mở rộng thị trường sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, có nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, cần phải đầu tư có chọn lọc các nhà máy, trang trại, nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đảm bảo không tác động lên môi trường. Đặc biệt, ông Phú nhận định: “ Sản phẩm làm ra phải có năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Phấn đấu trong 10 - 15 năm tới đưa Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới.”

Những vấn đề ở trên nêu ra cho thấy hệ thống phân phối tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn yếu kém cả về nhận thức và hành động. Hàng hóa những năm gần đây dù đã sản xuất chất lượng hơn và dồi dào hơn nhưng chiếc “nút cổ chai phân phối” còn bị ách tắc vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan.

Theo góc nhìn của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, phát triển nhanh và bền vững các trụ cột trên sẽ góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, mang đến kỳ vọng sẽ có một bức tranh kinh tế ngày càng sáng sủa hơn trong năm nay và những năm tiếp theo.

Đọc tiếp