Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, trong thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của các bộ, ngành và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai thực hiện chương trình. Việc ban hành các văn bản để hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của Trung ương đều kịp thời, chính xác.
Cùng với đó, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, cách làm hay, mô hình hiệu quả...
Diện mạo nông thôn mới tỉnh Hưng Yên ngày càng khang trang và khởi sắc. |
Trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 12 xã thuộc huyện Kim Động, 9 xã thuộc huyện Phù Cừ, 1 xã của huyện Tiên Lữ đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xã nông thôn; thẩm định quy hoạch chung cho 3 xã Quang Hưng, Minh Tân, Đình Cao của huyện Phù Cừ được định hướng đô thị loại V.
Toàn tỉnh đã thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và làm mới được khoảng 85 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Tiêu biểu có thể kể đến huyện Phù Cừ nâng cấp, cải tạo 21 km đường giao thông nông thôn; huyện Yên Mỹ đã tiến hành cải tạo và nâng cấp được gần 8 km đường giao thông; huyện Tiên Lữ nâng cấp cứng hóa được 5,1 km đường thôn.
Hiện Hưng Yên có 125/161 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá độc lập (chiếm 78%). Các xã, phường,thị trấn quy hoạch 426,62 ha đất quy hoạch xây dựng các công trình thể thao. Cơ sở vật chất, sân chơi, sân tập, dụng cụ tập luyện, thi đấu thể thao ở cơ sở đã từng bước được quan tâm đầu tư tu sửa, nâng cấp và xây dựng mới. Các di tích lịch sử được ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đúng quy định.
Đến nay toàn tỉnh Hưng Yên có 374 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 149 hợp tác xã tổ chức lại và 225 hợp tác xã thành lập mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. |
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh đã thu hút thêm nhiều dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn của các doanh nghiệp, hợp tác xã… Về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân vùng nông thôn.
Số lao động có việc làm và có thu nhập ổn định sau đào tạo đạt trên 92%; trong đó số học sinh tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%. Thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày được cải thiện, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực này năm 2023 đạt 68 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã thực hiện đánh giá, xếp hạng 199 sản phẩm OCOP, trong đó 157 sản phẩm đạt 3 sao, 42 sản phẩm đạt 4 sao. Toàn tỉnh có 743 trang trại tạo việc làm cho trên 2.124 người, doanh thu bình quân 3,6 tỷ đồng/năm/trang trại…
Tham gia tích cực
Tại huyện Khoái Châu, để tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện năm 2023 và đảm bảo thời gian thực hiện nội dung chương trình, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo, thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, bộ phận tham mưu giúp việc từ cấp huyện đến cấp xã được kiện toàn kịp thời, hoạt động có hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia tích cực, quyết liệt xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; tập trung chỉ đạo rà soát tổng thể các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khẩn trương triển khai thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có 743 trang trại tạo việc làm cho hơn 2.100 người. |
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 311.069 triệu đồng. Toàn huyện đã có 2/24 xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu; 11/24 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao (8 xã đã được công nhận, 3 xã chờ quyết định phê duyệt) và 14 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Đào Hải Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Khoái Châu cho biết, đến nay Khoái Châu có 95/105 làng được UBND huyện công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ 90,5%, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 92%. Tại sân nhà văn hoá các thôn và trung tâm văn hóa của xã nhiều địa phương đã lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời. Việc thực hiện quy chế về nếp sống văn minh có bước chuyển biến đáng khích lệ.
Toàn huyện có 22/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao về tiêu chí Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 (năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 83,6 triệu đồng).
Ngoài ra, hiện nay có một số doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 36.000 lao động; các lao động còn lại làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn như xây dựng, mộc dân dụng, cơ khí nhỏ, buôn bán, chế biến lương thực thực phẩm, sửa chữa ô tô xe máy, buôn bán... Huyện cũng có 7 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí làng nghề thu hút gần 20.000 lao động. Tính đến nay, số lao động có việc làm của huyện đạt trên 96%.
Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tại Hưng Yên được phát huy thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa tại địa phương. |
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Theo ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2022 - 2025, Hưng Yên không được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) phải chủ động cân đối, bố trí vốn và huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để tiếp tục phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...
Hiện nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu dựa vào thuộc ngân sách cấp huyện, xã từ nguồn thu sử dụng đất (xử lý đất dôi dư, xen kẹp và đấu giá quyền sử dụng đất) và nhân dân đóng góp.
Sự biến động về giá cả (giá các loại vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất cao như thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi... trong khi giá nông sản tăng không đáng kể); giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là sắt, thép, xi măng... tăng cao nên các dự án phải thực hiện điều chỉnh dự toán, làm chậm tiến độ thi công xây dựng công trình… Ngoài ra, chất lượng công trình, dự án về cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm đưa vào sử dụng...
Để tháo gỡ những vấn đề này, tỉnh Hưng Yên sẽ rà soát, nghiên cứu, tham mưu các cơ chế chính sách dành riêng cho địa phương, đặc biệt là các địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị tăng cao và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục triển khai Đề án OCOP có hiệu quả; phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 của tỉnh Hưng Yên ước đạt 68 triệu đồng/người/năm. |
Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư, xen kẹp. Lồng ghép các chương trình, dự án, nguồn vốn để tăng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp hiệu quả nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá sắt, thép, cát xây dựng...; có các biện pháp kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng nói chung và giá thép nói riêng…
Sở cũng đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để tỉnh có thêm nguồn lực hỗ trợ các xã duy trì, hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Hưng Yên có 100% số xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 50% số xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu, có từ 2 - 3 huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao, 1 huyện được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu theo mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch của tỉnh…
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên, đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có93 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 106 thôn, khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.