Nông sản Việt rộng cửa vào Trung Quốc sau ngày 8/1/2023

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
15:34 - 01/01/2023
Trung Quốc sẽ gỡ bỏ lệnh xét nghiệm kiểm dịch với nông sản nhập khẩu từ 8/1/2023.
Trung Quốc sẽ gỡ bỏ lệnh xét nghiệm kiểm dịch với nông sản nhập khẩu từ 8/1/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Sau gần 2 năm theo đuổi chính sách chống dịch "Zero Covid" nghiêm ngặt, từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh).

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây đã ra thông báo với một số nội dung có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thông báo nêu rõ, các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.

Đặc biệt, từ ngày 8/1/2023, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng chống Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh). Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19.

Như vậy, sau gần 2 năm theo đuổi chính sách "Zero Covid", siết chặt quy trình nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc đã dần gỡ bỏ các quy định. Quyết định này là bước đi tiến gần tới việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero Covid-19 chặt chẽ đã được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.

Tại Họp báo thông tin kết quả công tác năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, ngày 30/12, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm vừa rồi, các mặt hàng sống như tôm hùm, cua... xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ bị ách tắc nên khi được mở cửa sẽ tăng mạnh.

Những mặt hàng đi đường biển cũng tương tự. Khi áp dụng chính sách Zero Covid, hàng đông lạnh cứ đến cảng là bị giữ lại kiểm tra, chỉ cần có dấu hiệu Covid trên bao bì sản phẩm sẽ bị giữ cả lô hàng đó lại để khử khuẩn và đình chỉ xuất khẩu tiếp các lô khác trong thời hạn nhất định.

“Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn. Dự báo sau khi gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19, hệ thống nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hải sản tươi sống cao cấp như tôm hùm, tôm thẻ, cua... sẽ tăng rất cao. Đây là những yếu tố cho thấy tín hiệu tích cực của thủy sản sang thị trường này sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn”, ông Bá anh tiên lượng.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Thú y và Cục Trồng trọt của Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, các sản phẩm động vật và sản phẩm trồng trọt sẽ có nhiều cơ hội rộng mở đối với thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa.

Với thị trường 14 tỷ dân rất lớn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây là thông tin phấn khởi. Trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt tìm mọi cách mở cửa, giữ vững thị trường này.

“Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, 11 tháng năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 162 tỷ USD, gần bằng cả năm ngoái (165 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn sẽ cải thiện hơn từ cuối năm 2022 và năm 2023”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.

Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương cả nước nắm thông tin để chủ động áp dụng biện pháp phù hợp.

Khuyến nghị doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía Bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp