Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với 29 bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh:VGP |
Tiến độ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, ngành, địa phương thuộc tổ công tác số 2 là 241.088,964 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết là 234.394,655 tỷ đồng, đạt 97,22%.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là 104.915,882 tỷ đồng đạt 43,52%, cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%.
Trong đó 10 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước; 13 cơ quan giải ngân thấp; 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).
Một số bộ, ngành địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm vốn phân bổ như Bộ GD&ĐT (271,03 tỷ đồng); Bộ KH&CN (53,71 tỷ đồng); Bộ LĐTBXH (1.293,26 tỷ đồng); Bộ TN&MT (312,5 tỷ đồng); Bộ TT&TT (402,97 tỷ đồng); Ban quản lý các làng văn hóa du lịch Việt Nam (83,31 tỷ đồng); Quảng Bình (81,25 tỷ đồng); Phú Yên (241,5 tỷ đồng vốn nước ngoài và 164,17 tỷ đồng vốn từ nguồn bội chi ngân sách địa phương); Khánh Hòa 304,83 tỷ đồng vốn nước ngoài…
Lãnh đạo các bộ TN&MT, KH&ĐT, Y tế (từ trái qua phải) phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP |
Sẽ đánh giá mức độ sẵn sàng của dự án đầu tư công
Trao đổi tại hội nghị, ý kiến các bộ, ngành và địa phương phản ánh những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, do đặc thù về nguồn vốn của chương trình, việc giao kế hoạch vốn cho các dự án phải tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ quyết định giao Kế hoạch vốn cho các dự án nên tiến độ kéo dài.
Các ý kiến phản ánh về vướng mắc trong quy định về điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn từ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, vướng mắc trong việc giải ngân từ nguồn sắp xếp, xử lý nhà đất; khó khăn về nguồn vật liệu, một số trình tự thủ tục kéo dài, một số khó khăn mang tính đặc thù,…
Các địa phương chưa chủ động trong việc dự phòng quỹ đất cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, dẫn tới việc triển khai các dự án (khi được phê duyệt) còn chậm.
Công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao. Vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và có khối lượng để giải ngân.
Năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong quản lý dự án, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng,...dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT cũng đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề lớn đang làm chậm trễ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án lớn hoặc sử dụng nguồn vốn ODA và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,…
"Bộ KH&ĐT sẽ ban hành bộ tiêu chí để hướng dẫn bộ, ngành, địa phương đánh giá mức độ sẵn sàng của các dự án đầu tư công trung hạn để xác định nhu cầu và khả năng giải ngân của dự án, từ đó khắc phục tình trạng đăng ký vốn nhiều nhưng không thực hiện được", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung chia sẻ.
Xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hoà các nguồn vốn đầu tư công
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ số liệu về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là dự kiến tình hình những tháng cuối năm. Như vậy mới có "bức tranh" tổng thể, khoa học, chính xác về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan phân loại những dự án có thể tăng tốc với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm, còn những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn.
"Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả nhưng vẫn cần thiết thì xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hoá thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan…
Đối với khó khăn nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nêu ý kiến, trừ những dự án cấp bách, trọng điểm" được áp dụng cơ chế riêng về khai thác, sử dụng mỏ vật liệu, các dự án khác phải chuẩn bị đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, bảo đảm chất lượng tư vấn, khảo sát nguồn vật liệu phục vụ dự án, "không được tạo ra trường hợp cá biệt".
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hoà các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hoặc Chương trình phục hồi dành cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.
"Các bộ, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân trong giải ngân vốn đầu tư công. Cùng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhưng có nơi làm tốt, có nơi gặp khó khăn thì các đồng chí chủ động trao đổi, áp dụng những bài học, kinh nghiệm hiệu quả trong tháo gỡ vướng mắc của bộ, ngành, địa phương mình", Phó Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh số vốn đầu tư công được phân bổ còn rất thấp so với nhu cầu thực tế, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu phải tổng hợp đầy đủ nhu cầu của bộ, ngành, địa phương mình. Việc điều phối vốn đầu tư công phải được coi là mục tiêu, nhiệm vụ chính trị để giải quyết những nhu cầu cấp thiết trong đời sống kinh tế, xã hội hiện nay.