Theo Sách trắng Thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, có tổng cộng 6.219 doanh nghiệp tham gia khảo sát, trong đó, 90% là doanh nghiệp ngoài nhà nước, 6% là doanh nghiệp nhà nước và 4% là doanh nghiệp có vốn từ nước ngoài.
Các doanh nghiệp này có một phần lớn là bán buôn bán lẻ (chiếm 35%), một phần là doanh nghiệp xây dựng (26%), doanh nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo (12%), vận tải, kho bãi (11%), nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (10%). Phần lớn các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, chiếm 92%.
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp tham gia khảo sát tương đối cao. Trong đó, kế toán, tài chính và quản lý nhân sự là hai mảng được doanh nghiệp ứng các phần mềm công nghệ thông tin nhiều nhất, đạt lần lượt là 88% và 56% năm 2021.
Sự sẵn sàng chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng và quản lý chăm sóc khách hàng cũng được quan tâm, được lần lượt 27% và 28% doanh nghiệp lựa chọn, Đặc biệt, mảng quản lý nhân sự và mảng quản lý chuỗi cung ứng đang được càng nhiều doanh nghiệp chú trọng, với mức tăng 3 điểm phần trăm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này.
Khi trả lời khảo sát, 81% doanh nghiệp đánh giá việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử là quan trọng (41%) và tương đối quan trọng (40%). Đồng thời, 85% doanh nghiệp cũng cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại những hiệu quả nhất định.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong doanh nghiệp, 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về hai lĩnh vực này.
Về việc ứng dụng thương mại điện tử, trên nền tảng website, hiện nay, đã có 43% doanh nghiệp tham gia khảo sát có website của mình. Trong đó, 66% là đi thuê dịch vụ xây dựng, chỉ có 44% là tự xây dựng. Điều này cho thấy lĩnh vực phát triển trang web cũng đang là một ngành được chào đón. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu tự xây dựng trang web của riêng mình nhằm tăng tính cá nhân hóa, gây ấn tượng với khách hàng.
Theo đó, mục đích xây dựng trang web của các doanh nghiệp phần lớn đều để xây dựng uy tín, quảng bá và nâng tầm thương hiệu (82%), kế đến là giúp quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ (77%). 60% cho rằng website sẽ giúp họ mở rộng khả năng tương tác, phản hồi từ khách hàng, và 50% cho rằng website chỉ là thêm 1 kênh bán buôn, bán lẻ sản phẩm, cung cấp dịch vụ đến khách hàng.
Tuy nhiên, đối với thương mại điện tử thì doanh nghiệp chưa có nhiều sự quan tâm. Tính đến hết năm 2021, mới chỉ có 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, với các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội thì con số này cao hơn, đạt 57%, con số này đã tăng mạnh từ mức 41% của năm 2020.
Đối với việc xây dựng website trên bản di động và ứng dụng di động tại doanh nghiệp còn chưa được đầu tư nhiều. Mới chỉ có 16% doanh nghiệp có website phiên bản di động (mobile web) và 17% doanh nghiệp sở hữu ứng dụng di động (app). Tuy nhiên, điều này không làm cản trở việc doanh nghiệp nâng cao khả năng tương tác và tiếp cận với khách hàng trên thiết bị di động.
Theo đó, 83% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động. 88% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động và 48% doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng mua sắm trên ứng dụng di động