Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại cuộc họp báo chung ngày 28/5, ngoại ô Berlin, Đức. Ảnh: EPA |
Theo Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo chung ngày 28/5 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Meseberg (Đức), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ và chúng tôi không muốn leo thang. Đó là điều không thay đổi”.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho phép Ukraine vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được phóng đi và tấn công Ukraine. Nhưng chúng ta không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga”.
Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức tại cuộc họp báo. Ảnh: EPA |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông đồng ý với tuyên bố của Tổng thống Macron. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ phải tôn trọng các điều kiện do các quốc gia cung cấp vũ khí đưa ra, bao gồm cả Mỹ, cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Ukraine có mọi khả năng theo luật pháp quốc tế cho những gì nước này đang làm. Điều đó phải được nêu rõ. Tôi thấy lạ khi một số người cho rằng không nên phép tự vệ và thực hiện các biện pháp phù hợp cho việc này,” ông Scholz nói.
Các tuyên bố của lãnh đạo Pháp và Đức được đưa ra, sau khi có nhiều bên kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với tờ Economist rằng các thành viên của khối - những nước đang cung cấp vũ khí cho Ukraine, nên xem xét việc cho phép Kiev sử dụng những vũ khí này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, bình luận của ông Stoltenberg đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số quốc gia thành viên NATO. Các quan chức cấp cao của Italy, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, đã bác bỏ đề xuất này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Ukraine “sẽ phải tự đưa ra quyết định” về việc tiến hành các cuộc tấn công ngoài biên giới nước này. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm Kiev sử dụng vũ khí do Washington cung cấp như tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, do lo ngại đối đầu trực tiếp với Moscow.
Tờ New York Times đưa tin hôm 23/5, quan điểm về những hạn chế vũ khí của Mỹ đã thay đổi sau khi lực lượng Nga giành được lợi thế trên chiến trường. Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ tuần trước đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, thúc giục ông trao cho Ukraine quyền sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevic hôm 27/5 đã kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ hạn chế về sử dụng vũ khí viện trợ của Ukraine, nói rằng “không có lý do gì” để ngăn cản Kiev tấn công Nga.
Nga chưa bình luận về tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp, Đức.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các thành viên NATO ở châu Âu đang “đùa với lửa” nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhấn mạnh rằng động thái này có thể gây ra xung đột toàn cầu.
Ông Putin cho biết các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của Ukraine vào lãnh thổ Nga sẽ cần sự trợ giúp về vệ tinh, tình báo và quân sự của phương Tây, đồng nghĩa rằng phương Tây trực tiếp có liên quan.
“Các quan chức từ các nước NATO, đặc biệt là những quan chức tại châu Âu, ở các nước nhỏ ở châu Âu, nên nhận thức đầy đủ về những gì đang bị đe dọa. Họ nên nhớ rằng đất nước của họ là những quốc gia nhỏ và đông dân. Đây là yếu tố họ cần cân nhắc trước khi bắt đầu bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga,” chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh.