Điện là hạ tầng quan trọng nhất trong quá trình phát triển đất nước. Đối với quốc gia đang phát triển như Thái Lan, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện được dự báo ngang với tốc độ tăng trưởng GDP. Việc đảm bảo nguồn cung điện dồi dào, ổn định và giá cả hợp lý là một thách thức rất lớn.
Nhiệt điện khí LNG có nhiều tiềm năng thay thế cho nhiệt điện than đang dần cạn kiệt nguồn cung. Lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao (nguồn điện không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời), công suất lớn, thời gian đáp ứng nhanh, lượng khí thải thấp hơn so với các nguồn điện khác, giúp giảm tác động của ô nhiễm môi trường… LNG là một nguồn năng lượng linh hoạt, có thể được nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống.
Mekong – ASEAN đã trao đổi với ông Somsak Chutanan, Chuyên gia tư vấn phát triển dự án năng lượng, cố vấn cho nhiều dự án điện tại Thái Lan, về kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp này tại Thái Lan, đất nước có tỷ trọng nguồn điện khí LNG chiếm tới hơn 50% trong tổng cơ cấu nguồn điện.
Ông Somsak Chutanan, Chuyên gia tư vấn phát triển dự án năng lượng |
Mekong – ASEAN: Thưa ông, cơ cấu nguồn điện và tỷ trọng nguồn điện khí trong tổng công suất phát điện của Thái Lan hiện nay ra sao?
Ông Somsak Chutanan: Thái Lan là nước nhập khẩu năng lượng ròng. Chúng tôi có năng lượng từ thủy điện nhỏ, nhiệt điện (than và khí), năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời), điện sinh khối.
Trong cơ cấu nguồn điện của Thái Lan, nhiệt điện (than đá và khí thiên nhiên) là nguồn chính, chiếm tỷ trọng khoảng 56% tổng sản lượng điện. Còn lại, thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 24% và năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) chiếm khoảng 19% tổng sản lượng điện năm 2023.
Các nguồn điện này được cung cấp bởi Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), các nhà sản xuất điện độc lập lớn (IPP), các nhà sản xuất điện tư nhân nhỏ (SPP) và điện nhập khẩu.
40 năm trước, chúng tôi bắt đầu khai thác khí gas từ Vịnh Thái Lan để sử dụng cho việc sản xuất điện. Khi nguồn cung khí gas tăng lên, chúng tôi mở rộng đường ống dẫn khí tới các nhà máy điện chạy bằng khí gas khác ở Bangkok, Ayuthaya, Saraburi và Ratchaburi, gần biên giới Myanmar. Lúc này, Thái Lan bắt đầu phải mua thêm khí từ Myanmar, chúng tôi phải kết nối nguồn cung trong nước và nhập khẩu lại với nhau.
Tuy nhiên, việc phối trộn khí gas từ các nguồn này hơi phức tạp vì đặc tính của từng nguồn khí gas không giống nhau, giá trị nhiệt lượng cũng khác nhau. Các đơn vị cung cấp máy móc thiết bị cho nhà máy điện khí được yêu cầu phải thực hiện một số điều chỉnh trong thiết kế để đốt cháy nhiều loại khí gas hơn.
Một số dự án điện khí LNG lớn như nhà máy điện khí LNG Map Ta Phut 2 công suất 750 MW (hoàn thành vào tháng 12/2022), nhà máy điện khí LNG Khlong Khlung 1 công suất 750 MW (hoàn thành tháng 7/2023) góp phần làm tăng tỷ lệ sử dụng khí đốt lên, bù đắp cho sự sụt giảm của than đá trong cơ cấu sản xuất điện.
Ngoài ra, Thái Lan cũng đang triển khai một số dự án điện khí LNG khác như dự án điện khí LNG Map Ta Phut 3 có công suất 750 MW (dự kiến hoàn thành năm 2024), dự án điện khí LNG Khlong Khlung 2 công suất 750 MW (dự kiến hoàn thành năm 2025).
Khi phụ tải điện tiếp tục gia tăng, nhưng mỏ khí ở vịnh Thái Lan đã gần cạn kiệt, chúng tôi cần thêm khí gas cho sản xuất điện và lựa chọn duy nhất còn lại là nhập khẩu LNG. Đây là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu LNG của Thái Lan tăng mạnh trong thời gian gần đây (tăng 127% kể từ năm 2019).
Mạng lưới đường ống dẫn khí của Thái Lan (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Mekong – ASEAN: Theo ông, khi đầu tư phát triển dự án nhà máy điện khí LNG thì những vấn đề gì cần cân nhắc đầu tiên và quan trọng?
Ông Somsak Chutanan: Khi phát triển một nhà máy điện khí LNG cần đi kèm với cảng biển, nhà ga tiếp nhận, kho lưu trữ và tái hóa khí, đường ống dẫn khí tới nhà máy điện... Đối với các dự án đã thực hiện, thường chúng tôi phải tìm kiếm cảng phù hợp với độ sâu của biển ít nhất 20 mét để có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên.
Ngoài ra, còn có yếu tố khác về vị trí cảng cần cân nhắc vì chi phí LNG phụ thuộc rất nhiều vào chi phí vận chuyển. Một dự án nhiệt điện khí công suất 1.500MW cần vốn đầu tư ít nhất 2 tỷ USD.
Các nhà đầu tư cũng phải tính toán rất kỹ để lựa chọn và xây dựng nhà ga tiếp nhận khí ở vị trí phù hợp để giảm chi phí LNG và sau đó cung cấp cho tất cả các nhà máy điện trong cùng khu vực.
Một cảng nước sâu và nhà ga trung tâm lớn sẽ giúp giảm không chỉ chi phí khí đốt mà còn giảm chi phí xây dựng nhiều cảng nhỏ không cần thiết. Điều này đồng nghĩa với tiết kiệm ngân sách đầu tư.
Dọc theo bờ biển Việt Nam, không có nhiều địa điểm thích hợp để xây dựng nhà ga LNG. Mỗi nhà đầu tư nhà máy nhiệt điện khí muốn nhập khẩu LNG lại xây dựng nhà ga cho nhà máy điện của họ sẽ đưa đến lãng phí lớn không cần thiết.
Đối chiếu với mục tiêu đặt ra đến năm 2030 tại Kế hoạch phát triển điện lực của Việt Nam (PDP8), để đáp ứng nguồn cung khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần tổng công suất kho chứa đạt khoảng 15 - 18 triệu tấn LNG. Trong khi hiện nay, Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm.
Giá khí tăng do chi phí vận chuyển sẽ ảnh hưởng tới giá điện.
Kho cảng Map Ta Phut, nhà ga tái hóa khí đầu tiên của Thái Lan được khánh thành năm 2011 tại tỉnh Rayong, công suất ban đầu 5 triệu tấn/năm. Ảnh: Internet |
Mekong - ASEAN: Biểu giá điện khí LNG tại Thái Lan được xây dựng như thế nào và những rủi ro nhà đầu tư có thể gặp phải là gì, thưa ông?
Ông Somsak Chutanan: Tại Thái Lan, khí gas sẽ được đưa vào nhà máy tách khí và chỉ còn lại methane để đốt trong nhà máy điện. Các thành phần khí khác thu được sau phân tách được tận dụng làm nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các ngành nhựa, điện tử, dệt may… Do đó việc lựa chọn vị trí nhà ga trung chuyển tốt nhất trở thành yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển kinh doanh khí gas cũng như các ngành kinh tế khác.
Methane, được sử dụng làm nhiên liệu chính cho sản xuất điện ở Thái Lan và giá bán methane được phân chia dành cho 4 nhóm: Nhà sản xuất điện độc lập (Independent Power Producer – IPP), Nhà sản xuất điện quy mô nhỏ (Small Power Producer - SPP), Sản xuất công nghiệp và Phương tiện giao thông.
Trong đó, giá bán cho IPP – các công ty tư nhân đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện để bán điện cho lưới điện quốc gia, được giữ ở mức thấp nhất để duy trì chi phí điện thấp hơn.
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập trước đó, đầu tư vào nhà máy điện khí là khoản đầu tư rất lớn. Do đó, để giúp nhà đầu tư có thể huy động vốn cho dự án, Chính phủ Thái Lan đã ký hợp đồng mua điện với nhà đầu tư với một số điều kiện chính.
Trước hết, giá bán điện sẽ thay đổi theo tỷ giá hối đoái và sự biến động thị trường của giá nhiên liệu đầu vào. Hợp đồng cung cấp điện được ký dài hạn cho phép nhà đầu tư sắp xếp nguồn cung cấp nhiên liệu dài hạn để tránh rủi ro không lường trước được của sự thay đổi giá nhiên liệu.
Thông thường các nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua khí dài hạn trong 20-25 năm để đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho bài toán đầu tư. Giá mua khí và chi phí logistics tính bằng ngoại tệ (USD) khi thanh toán quy đổi sang nội tệ sẽ có rất nhiều rủi ro. Vì vậy, giá điện tại Thái Lan có liên quan tới USD.
Trên cơ sở đó, giá bán điện sẽ gồm hai thành phần là chi phí công suất cố định và chi phí năng lượng thay đổi, và được thanh toán theo sản lượng điện thực tế cung cấp.
Tại Thái Lan, để giảm thiểu rủi ro không lường trước được, chính phủ cung cấp sự bảo đảm trong trường hợp: chính sách pháp luật thay đổi, chính phủ thực thi công việc chậm trễ, hoặc do biến động tỷ giá hối đoái.
Chính phủ Thái Lan hiểu rằng việc huy động đầu tư tư nhân là cần thiết để chia sẻ gánh nặng đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Từ năm 2019, EGAT đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất điện trong nước, ví dụ như nhập khẩu LNG với giá cạnh tranh thấp nhất trên thị trường quốc tế và thực hiện các hướng dẫn về tự do hóa kinh doanh khí thiên nhiên (giai đoạn 1 và 2) để sử dụng tại các nhà máy điện.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) ngày 5/4/2023, EGAT đặt mục tiêu nhập khẩu 1,2 triệu tấn LNG mỗi năm để giảm chi phí nhiên liệu cho phát điện, hỗ trợ giá điện, giảm bớt gánh nặng cho người dân bắt đầu từ tháng 10/2023.
Vì thế, tổng lượng mua LNG trong tháng 10 vừa qua đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022, đưa Thái Lan nhảy vọt từ vị trí thứ 11 lên thứ 8 trong bảng xếp hạng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) toàn thế giới. Theo dữ liệu về dòng chảy từ Kpler, Thái Lan đã nhập khẩu 22,9 triệu mét khối (MCM) LNG tính đến tháng 10, cao hơn kỷ lục 19,8 MCM của cả năm 2022.
Mekong - ASEAN: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!