Ngày 7/3/2024, Việt Nam và Australia tuyên bố nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện, đưa Australia trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ bảy của Việt Nam.
Cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ của hai nước, Phòng Thương mại và Đầu tư Queensland (Trade and Investment Queensland – TIQ) là cơ quan trực thuộc chính quyền bang Queensland, chuyên trách về lĩnh vực kinh doanh quốc tế, là cầu nối thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và bang Queensland
Mekong ASEAN có dịp trò chuyện cùng ông Shannon Leahy, Tham tán thương mại và đầu tư cấp cao bang Queensland, phụ trách khu vực ASEAN, về chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế và những cơ hội giao thương, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam và bang Queensland.
Ông Shannon Leahy, Tham tán thương mại và đầu tư cấp cao bang Queensland, phụ trách khu vực ASEAN. |
Mekong ASEAN: Thưa ông, các hiệp định khu vực như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể mang lại những lợi ích gì cho mối quan hệ thương mại giữa Queensland và Việt Nam?
Ông Shannon Leahy: Mặc dù Australia và Việt Nam không có FTA song phương, nhưng có một số hiệp định khu vực mà cả hai nước đều tham gia như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia - New Zealand (AANZFTA) đã mở ra rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp trên khắp khu vực.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhà giao dịch quốc tế mới, RCEP là một bước ngoặt. Bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại và cung cấp các cơ chế hỗ trợ, RCEP giúp các doanh nghiệp ở cả Queensland và Việt Nam dễ dàng tiếp cận các thị trường mới và hợp lý hóa chuỗi cung ứng của họ.
Trọng tâm chiến lược của Queensland vào ASEAN phù hợp với Chiến lược kinh tế ASEAN đến năm 2040 của Chính phủ Australia. Chúng tôi có mối quan hệ rất sâu sắc với Việt Nam, bao gồm cả thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục và đầu tư.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ năm của Queensland, với kim ngạch đạt 5,1 tỷ đô la Australia vào năm 2023. Năm 2023, riêng sản phẩm thịt bò Queensland từ các công ty JBS, Australian Country Choice, OBE Organic, Teys và Kilcoy... xuất khẩu sang Việt Nam trị giá hơn 100 triệu đô la Australia.
Nỗ lực kết nối các cơ hội giao thương giữa Việt Nam với Queensland không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, chia sẻ thông tin về các sáng kiến của chính quyền tiểu bang có thể hỗ trợ các khoản đầu tư hoặc quan hệ đối tác mới. TIQ đã thành lập một trung tâm khu vực tại TP HCM để phục vụ tốt hơn cho thị trường năng động này.
Mekong ASEAN: Hiện nay, những lĩnh vực nào đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Việt Nam, thưa ông?
Ông Shannon Leahy: Queensland đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Đông Nam Á và TIQ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quá trình đầu tư diễn ra liền mạch.
TIQ cung cấp lời khuyên chuyên môn về các sáng kiến phù hợp nhất với từng doanh nghiệp cụ thể, đảm bảo quá trình đầu tư, xúc tiến thương mại suôn sẻ vào thị trường Queensland.
Queensland là thị trường rộng mở với cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Các công ty Việt Nam đang hợp tác với doanh nghiệp Queensland để tìm nguồn cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và đầu tư vào công nghệ tiên tiến.
Tháng 9 vừa qua, công ty Việt Nam là TTC AgriS, thông qua công ty con là Global Mind Australia, đã đầu tư 1,5 triệu đô la Australia vào East Forged, một công ty Australia chuyên về trà nitro pha lạnh. Khoản đầu tư này nhằm mục đích quảng bá các sản phẩm trà tự nhiên, pha sẵn và mở rộng thị trường của họ tại Australia và khu vực ASEAN.
Trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên khoáng sản tại Queensland và sự phát triển của ngành khai khoáng với cơ sở hạ tầng tiên tiến và môi trường pháp lý ổn định đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khai thác khoáng sản hoặc nguyên liệu thô, đang hợp tác với Queensland để tìm hiểu các cơ hội đầu tư bền vững, chuyển giao công nghệ trong khai thác và chế biến tài nguyên.
Về du lịch, Queensland có nhiều điểm đến và trải nghiệm nổi tiếng như rạng san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reff, hòn đảo cát lớn nhất thế giớ Fraser, thiên đường lướt sóng Gold Coast, thị trấn nhiệt đới lớn nhất Cairns hay đảo Magnetic… mang đến cơ hội tăng trưởng cho các nhà đầu tư Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, cơ sở hạ tầng du lịch và các dịch vụ liên quan. Ngành du lịch của tiểu bang này đang là cơ hội chín muồi để đầu tư và phát triển.
Ngoài ra, Queensland cũng là nơi có những tổ chức giáo dục tiêu chuẩn quốc tế. Số liệu cập nhật tháng 3/2024, số lượng sinh viên Việt Nam đăng ký theo học đã tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm lớn trong việc hình thành quan hệ đối tác với các trường đại học và nhà cung cấp đào tạo nghề.
Ông Shannon Leahy nhận định, TIG sẽ là cầu nối giao thương và đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp bang Queensland. |
Mekong ASEAN: Doanh nghiệp Queensland đã tận dụng các FTA hiện có để mở rộng thị trường tại Việt Nam như thế nào?
Ông Shannon Leahy: Ngành công nghệ thông tin đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam mang đến cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, y tế, nông nghiệp và chuyển đổi số. Hệ sinh thái công nghệ đang phát triển mở ra con đường cho các liên doanh và quan hệ đối tác công nghệ.
Thế mạnh của Queensland về công nghệ nông nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu về các giải pháp canh tác hiện đại, bao gồm nông nghiệp chính xác, hệ thống quản lý trang trại và các hoạt động bền vững.
Với nhu cầu đang ngày càng tăng của Việt Nam, ngành công nghệ sinh học và chăm sóc sức khỏe mạnh mẽ của Queensland có thể giải quyết nhiều thách thức tại Việt Nam bằng các giải pháp sáng tạo.
Queensland cũng đóng vai trò quan trọng trong tham vọng Net Zero của thế giới. Queensland đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đơn vị đi đầu trong sản xuất hydro xanh tại Australia, cung cấp nguồn hydro xanh bền vững, đáng tin cậy và an toàn cho cả đối tác trong nước và xuất khẩu.
Mekong ASEAN: Ông có nhắc đến thế mạnh về NLTT, Việt Nam có thể học hỏi được gì từ các sáng kiến trong lĩnh vực này?
Ông Shannon Leahy: Queensland đi đầu trong cuộc cách mạng năng lượng sạch của Australia, với hơn 25% năng lượng hiện có đến từ NLTT. Tiểu bang chúng tôi đặt mục tiêu tăng con số này lên 80% vào năm 2035, mở đường cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với hơn 50 dự án NLTT quy mô lớn đang được phát triển ở các giai đoạn khác nhau, Queensland cũng đang xây dựng một hệ sinh thái hydro xanh toàn diện khép kín, từ khâu sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và các cơ hội hạ nguồn như sản xuất và lắp ráp năng lượng.
Cả Queensland và Việt Nam đều cam kết cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững. Chuyên môn của Queensland về công nghệ năng lượng mặt trời, gió và hydro hoàn toàn phù hợp với mục tiêu đa dạng hóa nguồn năng lượng và cắt giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam.
Đầu tư vào các công nghệ tiên tiến rất quan trọng để tối ưu hóa sản xuất NLTT. Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để khám phá các công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí năng lượng sạch. Điều này tạo ra tiềm năng mạnh mẽ cho các dự án chung và chuyển giao công nghệ.
Xây dựng chuyên môn và kỹ năng tại địa phương về NLTT là chìa khóa thành công lâu dài. Queensland đã đầu tư vào các chương trình đào tạo để phát triển lực lượng lao động lành nghề cho ngành NLTT. Quan hệ đối tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và ngành công nghiệp đã có hiệu quả cao, mang lại kết quả ấn tượng.
Bằng cách tận dụng kinh nghiệm và thông lệ tốt nhất của Queensland, Việt Nam có thể thúc đẩy các sáng kiến về NLTT, tăng cường an ninh năng lượng và đạt được các mục tiêu kinh tế xanh nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!