PMI ngành sản xuất ASEAN tháng 3/2024 cao nhất trong 11 tháng

PMI asean
16:34 - 02/04/2024
Ảnh minh họa: Philippine Star
Ảnh minh họa: Philippine Star
0:00 / 0:00
0:00
Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 3/2024 cho thấy, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất ASEAN cải thiện mạnh mẽ nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN tăng lên 51,1 điểm trong tháng 3/2024, từ mức 50,4 điểm trong tháng 2. Con số này cho thấy ngành sản xuất ASEAN tăng trưởng nhanh hơn vào thời điểm cuối quý 1/2024 và mức cải thiện là đáng kể nhất trong gần một năm.

PMI ngành sản xuất ASEAN.

PMI ngành sản xuất ASEAN.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã giúp sản lượng tăng mạnh hơn. Từ đó, các công ty đã tăng việc làm và hoạt động mua hàng; trong đó hoạt động mua hàng tăng mạnh nhất trong năm tháng. Áp lực giá cả trong tháng 3 đã giảm bớt so với tháng 2. Gánh nặng chi phí và giá cả đầu ra đều tăng chậm nhất trong tương ứng là ba và tám tháng.

INDONESIA VÀ SINGAPORE

Theo báo cáo, tình trạng cải thiện điều kiện kinh doanh chủ yếu tập trung ở ngành sản xuất của Indonesia và Singapore, khi PMI của hai nước đều trên ngưỡng 54 điểm.

Trong đó, PMI của Indonesia đã tăng lên 54,2 điểm trong tháng 3, từ mức 52,7 điểm trong tháng 2. Bà Pollyanna De Lima, Phó Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, bình luận: “Ngành công nghiệp sản xuất của Indonesia đã có kết quả xuất sắc trong tháng 3, với mức tăng trưởng sản lượng đạt mức cao nhất trong 27 tháng do nhu cầu trong nước tăng đáng kể.

PHILIPPINES

Chỉ số PMI của Philippines hầu như không thay đổi ở mức 50,9 điểm trong tháng 3, so với 51 điểm của tháng trước. Tuy nhiên, điều này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất của Philippines trong tháng 3 chỉ có sự cải thiện khiêm tốn, gây ra mối lo ngại

“Góp phần vào bức tranh có phần hỗn tạp là sự sụt giảm mới về mức độ sản xuất. Trong đó, các công ty cho rằng điều này là do tình trạng thiếu nguyên liệu. Sự suy thoái xảy ra bất chấp các công ty nhìn chung ghi nhận nhu cầu hàng hóa ổn định,” bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận xét.

PMI ngành sản xuất của 7 nước ASEAN.

PMI ngành sản xuất của 7 nước ASEAN.

VIỆT NAM

Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global cho thấy chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam rơi nhẹ xuống dưới ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 3, đạt 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Một điểm tích cực trong tháng 3 là các công ty Việt Nam đang ngày càng lạc quan rằng ngành sản xuất sẽ tăng trưởng trở lại trong những tháng tới, từ đó niềm tin kinh doanh đã giúp việc làm tăng vào cuối quý đầu của năm”.

THÁI LAN

Lĩnh vực sản xuất của Thái Lan có dấu hiệu chuyển biến tích cực vào cuối quý 1/2024, với chỉ số PMI đạt 49,1 điểm trong tháng 3, tăng từ mức 45,3 điểm hồi tháng 2.

“Chỉ số PMI được công bố là một trong những mức tăng hàng tháng lớn nhất từ ​​trước đến nay, đưa mức trung bình trong quý đầu tiên của năm 2024 (47,0 điểm) cao hơn mức ghi nhận trong quý cuối cùng của năm 2023 (46,7),” ông Trevor Balchin, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Intelligence, cho biết.

MALAYSIA

Tại Malaysia, các nhà sản xuất vẫn đang chịu áp lực trong tháng 3. Chỉ số PMI ngành sản xuất nước này đạt 48,4 điểm, giảm từ mức 49,5 điểm trong tháng 2. Điều này báo hiệu rằng ngành sản xuất Malaysia đang có biểu hiện suy giảm sau những dấu hiệu tích cực vào đầu năm.

Ông Usamah Bhatti, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Các đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm tại Malaysia đều thu hẹp lại ở mức độ lớn hơn và ở mức độ rõ rệt nhất từ ​​đầu năm đến nay. Trong khi đó, môi trường nhu cầu yếu đã cho phép nhà cung cấp cải thiện, vì thời gian giao hàng được rút ngắn ở mức lớn nhất trong 10 tháng”.

MYANMAR

Chỉ số PMI ngành sản xuất Myanmar đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng và đạt 48,3 điểm, tăng từ mức 46,7 trong tháng 2.

Tuy nhiên, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định rằng: “Dữ liệu mới nhất từ Myanmar cho thấy một bức tranh có phần u ám về lĩnh vực sản xuất”. Bà cũng chỉ ra rằng, mặc dù sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm dần, nhưng một số các công ty báo cáo về nhu cầu phục hồi.

Ngành sản xuất tại nước này vẫn đang bị cản trở bởi cuộc chiến đang diễn ra trên khắp đất nước, làm trầm trọng thêm các vấn đề tiềm ẩn và dẫn đến mức độ không chắc chắn tăng cao.

Bình luận về dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, bà Maryam Baluch, Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết:

“Tăng trưởng trong ngành sản xuất ASEAN tiếp tục mạnh lên trong tháng 3. Với sự cải thiện của các điều kiện hoạt động trong ba tháng vừa qua, đây là quý có kết quả hoạt động mạnh nhất kể từ quý 2 năm ngoái. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã giúp sản lượng tăng nhanh hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra rằng xu hướng nhu cầu cho thấy tình trạng tăng lần này của số lượng đơn đặt hàng mới chủ yếu xuất phát từ nhu cầu khách hàng trong nước. Trong khi đó, nhu cầu nước ngoài tiếp tục dao động. Ngoài ra, mặc dù vẫn là tích cực, triển vọng sản lượng đã suy yếu thành mức thấp của 8 tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.