Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ở vùng Viễn Đông, Nga, ngày 13/9. Ảnh: Sputnik |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Nga từ ngày 12-17/9 theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Kim sau gần 4 năm và là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông sau đại dịch Covid-19.
Trong chuyến thăm, ông Kim Jong-un đã dành những lời khen “có cánh” cho Nga, bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Nga về “kế hoạch 100 năm”, cũng như coi quan hệ song phương với Nga là ưu tiên đối ngoại hàng đầu hiện nay. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Moscow cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giếng, trong đó có Triều Tiên.
Điện Kremlin và Bình Nhưỡng không công bố chi tiết cụ thể nội dung thảo luận của ông Kim và ông Putin mà chỉ cho biết hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm với sự tham gia của các phái đoàn hai nước. Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề hợp tác kinh tế và nhân đạo, tình hình trong khu vực cũng như nhiều chủ đề khác.
Ông Kim Jong-un bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Nga về “kế hoạch 100 năm". Ảnh: KCNA |
Quan hệ Nga - Triều có nhiều tiềm năng hợp tác
Mặc dù chuyến công du của ông Kim Jong-un được coi là dấu mốc mới trong quan hệ song phương Nga - Triều Tiên, tuy nhiên, mối quan hệ này được đánh giá là có khả năng bị giới hạn trong các lợi ích chiến lược ngắn hạn.
Giới chức phương Tây nghi ngại cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Nga - Triều có khả năng sẽ bao gồm việc thảo luận về thoả thuận “đổi đạn pháo lấy lương thực”. Trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh phản công nhằm chọc thủng các phòng tuyến của Nga trước khi mùa đông tới, việc Nga tăng cường bổ sung thêm đạn pháo từ vào kho vũ khí là cần thiết. Tuy nhiên, theo các hãng tin chính thức của Nga và Triều Tiên thì cả hai nước đều đã bác bỏ thông tin này.
Ông Triều Tiên Kim Jong-un và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu duyệt đội danh dự tại căn cứ không quân Knevichi, gần Vlapostok, vùng Primorsky, ngày 16/9. Ảnh: AFP |
Sau khi ông Kim Jong-un tham quan nhà máy sản xuất máy bay tại thành phố Komsomolsk-on-Amur, nơi sản xuất hàng loạt tiêm kích Su-35 và Su-57, Phó Thủ tướng Nga Denis Manturov hôm 15/9 cho biết, Moscow nhìn thấy "tiềm năng hợp tác cả trong sản xuất máy bay và các ngành công nghiệp khác" với Triều Tiên.
Mặc dù sở hữu hệ thống máy bay từ thời Liên Xô, Triều Tiên vẫn đang tìm kiếm nguồn phụ tùng máy bay từ Nga để tăng khả năng chiến đấu của phi đội này. Trước đây, cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il đã từng tới thăm cơ sở sản xuất này vào năm 2002, nhưng hai nước không đạt được thoả thuận đáng kể nào trong lĩnh vực này.
Theo Tass, Tổng thống Putin cũng nói với các phóng viên rằng Moscow "sẽ không vi phạm bất cứ điều gì", khi đề cập đến các lệnh trừng phạt lâu dài mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Triều Tiên. Do đó, việc Nga chuyển giao các máy bay thế hệ tiên tiến nhất của nước này cho Triều Tiên thời gian tới là khó có khả năng xảy ra.
Ông Kim Jong Un thăm Nhà máy Sản xuất Hàng không Nga Yuri Gagarin. Ảnh: Reuters. |
Về lĩnh vực không gian vũ trụ, khi được báo chí hỏi hai nước có hợp tác về nghiên cứu lĩnh vực này hay không, Tổng thống Nga Putin ngày 13/9 cho biết đây chính là lý do vì sao Moscow và Bình Nhưỡng lại tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vostochny Cosmodrome.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thời gian qua cũng thể hiện sự quan tâm tới công nghệ tên lửa, trong bối cảnh nước này đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp không gian vũ trụ của riêng mình.
Trong cuộc gặp kéo dài hơn 5 tiếng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng Nga sẽ hỗ trợ chương trình đưa nhà du hành vũ trụ Triều Tiên lên không gian. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên gặp khó khăn trong việc đạt được các tiến bộ về khoa học công nghệ nếu không có sự hỗ trợ từ nước ngoài.
Tuy nhiên, các Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 14/9 đã bày tỏ quan ngại tới khả năng Nga và Triều Tiên đạt được thoả thuận vũ khí, cũng như cảnh báo hai nước này sẽ phải trả giá nếu thực hiện thoả thuận không gian vũ trụ. Giám đốc Văn phòng Phối hợp Cấm vận của Mỹ James O’Brien cho biết, nếu Nga bất chấp lệnh cấm và hợp tác quốc phòng với Triều Tiên, một nước đang bị Hội đồng Bảo an cấm vận lĩnh vực này, thì vị thế của Nga trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, bối cảnh khu vực hiện nay khiến mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng được đặt trong tổng thể cân bằng mối quan hệ 3 bên: Trung Quốc - Nga - Triều Tiên. Nhưng chuyên gia Xiao Bin tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Học viện Xã hội Trung Quốc nhận định, mối quan hệ hợp tác chính trị và kinh tế giữa Nga và Triều Tiên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Trung Quốc.
"Tuy nhiên, nếu hợp tác quốc phòng giữa hai nước này liên quan tới vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa có khả năng đính kèm vũ khí hạt nhân, thì điều này có thể sẽ gia tăng sự bất ổn tại khu vực Đông Bắc Á và ảnh hưởng tới sự ổn định tại vùng đệm xung quanh Trung Quốc", ông Xiao Bin cho hay.