Quán quân lợi nhuận nhưng nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank vẫn tăng 50%

VIETCOMBANK NGÂN HÀNG
17:18 - 31/01/2023
Ảnh: Quách Sơn
Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Tổng nợ xấu cuối năm 2022 của Vietcombank tăng 27% lên 7.808 tỷ đồng, với nợ có khả năng mất vốn tăng đến 50% khi ghi nhận 6.623 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với tổng thu nhập hoạt động đạt 18.663 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79% xuống còn 4 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%. Mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quý cuối năm, ngân hàng giảm 51,6% chi phí dự phòng rủi ro xuống còn 1.678 tỷ đồng. Kết quả, quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước đạt 12.419 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank tăng 20% đạt 68.083 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động chính của Vietcombank tăng 26% so với năm trước, thu được gần 52.554 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi gần 5.761 tỷ đồng, tăng 32% nhờ thu ngoại tệ giao ngay 9.559 tỷ đồng, thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ 918 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 8%, còn 6.839 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 115 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi tới 138 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 14% chỉ ghi nhận 2.054 tỷ đồng.

Mặt khác, năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro trong năm được Vietcombank cắt giảm 17,5% so với năm trước, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng.

Kết quả, ngân hàng thu được hơn 37.358 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng gần 36% so với năm trước và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng. Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.675 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đã vượt 20% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng 19,2% lên 1,1 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 9,5%, đạt 1,24 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận 222.964 tỷ đồng, gấp 2,1 lần. Phát hành giấy tờ có giá tăng 46% lên 25.393 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tổng dư nợ thời điểm cuối năm 2022 của Vietcombank tăng 19% lên mức 1.146.066 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ xấu cuối năm tăng 27% lên 7.808 tỷ đồng. Đáng chú ý, nếu như nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ có xu hướng giảm thì nợ có khả năng mất vốn tăng đến 50% đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,64% lên 0,68%.

Song, tăng cường trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng vẫn thuộc Top cao nhất hệ thống với tỷ lệ 317%.

Ở diễn biến mới nhất, ngày 30/1, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ và bổ sung thành viên HĐQT. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường Vietcombank đã thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank vào Hội đồng quản trị Vietcombank nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Bên cạnh đó, Vietcombank thông qua phương án phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024.

Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ đồng lên hơn 75.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Tin liên quan

Đọc tiếp