Quảng Ninh, Bắc Giang dẫn đầu bảng xếp hạng PCI cấp tỉnh 2022

PCI 2022 CHÍNH SÁCH
11:15 - 11/04/2023
Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022, sáng 11/4.
Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022, sáng 11/4.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 11/4, VCCI tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2022), trong đó 5 tỉnh/thành giữ vị trí dẫn đầu là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp.

Quảng Ninh 7 năm liền giữ vị trí quán quân

Báo cáo PCI 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp. Trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo báo cáo, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa–Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2022.

Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Từ năm 2017 - 2022, Quảng Ninh liên tục giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Đây là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Quy trình giải quyết thủ tục hành chính của Quảng Ninh được thực hiện theo nguyên tắc “5 tại chỗ”. Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.

Trong những năm gần đây, Quảng Ninh cũng nổi lên là một điểm sáng về đào tạo lao động. Không chỉ sở hữu lực lượng lao động trẻ với 51% trong độ tuổi 15 đến 39, 85% lao động đã qua đào tạo và năng suất lao động (GRDP/lao động) thuộc tốp đầu cả nước, Quảng Ninh còn chú trọng đến các chính sách phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.

Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022.
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022.

Là tỉnh giữ vị trí quán quân PCI 7 năm liên tiếp, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, đối với Quảng Ninh, PCI có ý nghĩa quan trọng trong phát triển toàn diện ổn định đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt hơn 10%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cả 3 khu vực kinh tế gồm dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm-ngư nghiệp đều tăng so năm 2021. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so quy mô năm 2022, GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.

Vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, hành trình chinh phục đỉnh cao PCI trở thành thương hiệu của tỉnh về một địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và minh bạch, là động lực nội sinh giữ đà tăng trưởng cho những năm tới.

“Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quảng Ninh xác định hàng năm giữ vị trí top đầu của các bảng xếp hạng PCI, PAPI và các bảng xếp hạng tương tự khác. Chúng tôi xác định nỗ lực là một quá trình chỉ có điểm bắt đầu không có điểm kết thúc”, ông Ký nhấn mạnh.

Xếp ngay sau Quảng Ninh ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc và 8,06 điểm so với PCI 2021.

Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh. Trong những năm gần đây, tỉnh đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vị trí thứ ba PCI 2022 thuộc về TP Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại thành phố đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Có 89% doanh nghiệp tại TP Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh”. Đây là những chỉ tiêu mà thành phố Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Nhiệt kế doanh nghiệp có dấu hiệu “hạ nhiệt”

Cũng theo báo cáo PCI 2022, bối cảnh kinh tế khó khăn được phản ánh rõ trong khảo sát, khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp, cảm nhận về sự cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại. Bản thân các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Khảo sát PCI 2022 đề nghị các doanh nghiệp tư nhân cho biết dự định của họ về kế hoạch kinh doanh trong 2 năm tới về kế hoạch giữ nguyên hay thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí đóng cửa doanh nghiệp.

Kết quả Khảo sát PCI 2022 cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp tư nhân trong nước sau đại dịch COVID-19 chỉ tăng nhẹ, với khoảng 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới so với mức 34% của năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa là 10,7%, vẫn tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. VCCI hy vọng rằng chính quyền các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo PCI năm nay được công bố trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VCCI (1963 - 2023) và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ (2013 - 2023).

Tin liên quan

Đọc tiếp