Đó là đánh giá của bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23/6.
Bà Hải cho biết, tại kỳ họp này, chủ toạ kỳ họp, đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ cho Quốc hội đã làm việc rất hiệu quả và hết "công suất”. Đặc biệt, Kỳ họp thứ 5 ghi nhận những nội dung lần đầu thực hiện.
Đầu tiên là việc chưa có kỳ họp Quốc hội nào có một tuần nghỉ giữa kỳ. Là người đứng đầu địa phương, Bí thư Thái Nguyên đánh giá đây là phương pháp giúp cho các lãnh đạo tỉnh vừa đảm bảo công việc họp Quốc hội chất lượng, hiệu quả vừa đảm bảo công tác điều hành tại địa phương.
Ngoài ra, khoảng thời gian nghỉ một tuần cũng đảm bảo cho các cơ quan tham mưu giúp việc của Quốc hội và cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng đối với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Thứ hai là việc báo cáo kiến nghị cử tri được đưa ra Quốc hội thảo luận trên hội trường. Theo bà Hải, việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận báo cáo kiến nghị cử tri là hết sức hiệu quả. Về mặt chuyên môn, gần 500 đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc hàng triệu cử tri theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tất cả các ý kiến của các cử tri chính là “nguyên liệu đầu vào" để các đại biểu tập hợp, mang đến Quốc hội và thảo luận.
Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn, khi người dân thấy được ý kiến của mình đã được ghi nhận, giải quyết hoặc còn gì vướng mắc thì được mang ra thảo luận, "mổ xẻ". Điều này cũng khẳng định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói của người dân.
Cử tri nhận thấy tiếng nói của mình từ một buôn, làng, xã hẻo lánh nhưng đã được mang đến Nhà Diên Hồng để thảo luận cụ thể và từng vị trưởng ngành phải trả lời. Điều này mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cũng đánh giá cao sự đổi mới của Kỳ họp thứ 5 là chia làm hai đợt họp, giúp cho các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện, giải trình các ý kiến của đại biểu. Nhờ đó cũng đảm bảo chất lượng hơn cho các nội dung.
Với những luật được thông qua tại kỳ họp, ông Lê Hoàng Anh cho rằng, mỗi đại biểu có thể có cách nhìn nhận và quan điểm khác nhau, nhưng khi Quốc hội nhấn nút thông qua tức là đã đảm bảo chất lượng.
“Tôi cho rằng Quốc hội và các cơ quan Quốc hội cũng như Chính phủ cần tiếp tục quan tâm để nâng cao hồ sơ trình tự các dự án luật, đặc biệt là phải tuân thủ thời hạn gửi tài liệu. Có như vậy, các đại biểu mới đảm bảo thời gian nghiên cứu, cho ý kiến và đảm bảo chất lượng. Một số dự án luật trình ra tại kỳ họp này chưa đảm bảo được điều đó”, ông Lê Hoàng Anh nêu ý kiến.