Những người nuôi chó xung đột với cảnh sát khi tiến hành biểu tình phản đối dự luật cấm thịt chó tại Seoul ngày 30/11/2023. Ảnh: Getty Images |
Được đề xuất bởi cả đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Sukyeol và đảng đối lập chính cũng như nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, dự luật thể hiện sự thay đổi đáng kể trong thái độ đối với việc tiêu thụ thịt chó trong quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc vài thập kỷ qua.
Một khi được thông qua, việc phân phối và bán các sản phẩm thực phẩm được làm hoặc chế biến bằng nguyên liệu từ thịt chó sẽ bị cấm. Bất kỳ ai giết mổ chó để làm thức ăn có thể bị phạt tới 3 năm tù hoặc bị phạt tới 23.000 USD, trong khi bất cứ ai nuôi chó để ăn hoặc cố ý mua, vận chuyển, tàng trữ hoặc bán thức ăn làm từ thịt chó cũng sẽ chịu các hình phạt tù hoặc phạt tiền nhưng nhẹ hơn.
Đối với các chủ trang trại, chủ nhà hàng thịt chó và những người làm nghề buôn bán thịt chó, luật sẽ cho phép thời gian ân hạn 3 năm để đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động kinh doanh. Chính quyền địa phương sẽ được yêu cầu hỗ trợ các chủ doanh nghiệp đó chuyển đổi “ổn định” sang các hình thức kinh doanh khác.
Tuy nhiên, những khách hàng tiêu thụ thịt chó hoặc các sản phẩm liên quan sẽ không bị trừng phạt. Điều này đồng nghĩa với việc dự luật sẽ chủ yếu nhắm vào những người làm việc trong ngành này như người nuôi chó hoặc người bán chó.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cho thấy quốc gia này hiện có khoảng 1.100 trang trại chó hoạt động vì mục đích cung cấp thực phẩm, với khoảng nửa triệu con chó được nuôi tại các trang trại này.
Tuy nhiên, các con số đang ghi nhận sự suy giảm nhanh chóng trong những năm gần đây trong bối cảnh việc nuôi thú cưng tại Hàn Quốc ngày càng trở nên phổ biến hơn. Người tiêu dùng thịt chó hiện nay có xu hướng lớn tuổi hơn, trong khi người Hàn Quốc trẻ hơn có xu hướng tránh xa loại thực phẩm này, phản ánh xu hướng tương tự ở các khu vực khác tại châu Á.
Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Gallup Korea, 64% số người được hỏi phản đối việc ăn thịt chó – mức tăng đáng kể so với một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2015. Số người trả lời đã ăn thịt chó cũng sụt giảm từ mức 27% vào năm 2015 xuống chỉ còn 8% vào năm 2022. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2014, số lượng nhà hàng phục vụ thịt chó ở thủ đô Seoul đã giảm 40% do nhu cầu sụt giảm, theo số liệu thống kê chính thức.
Dù vậy, động thái của chính phủ cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những người nuôi chó và chủ doanh nghiệp - những người cho rằng dự luật sẽ phá hoại sinh kế của mình. Hồi tháng 11, hàng chục người nuôi chó đã tập trung bên ngoài văn phòng tổng thống ở Seoul để phản đối dự luật.
Theo hãng tin Reuters trích dẫn một thông cáo báo chí của Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc vào thời điểm đó, tổ chức này cáo buộc chính phủ “đe dọa” ngành thịt chó và đề xuất dự luật “mà không hề thảo luận hay trao đổi” với người tiêu dùng hoặc người lao động trong ngành.
Phản ứng lại các cáo buộc này, ông Lee Sang-kyung - giám đốc chiến dịch cấm thịt chó tại tổ chức nhân quyền quốc tế Humane Society International (HIS) Hàn Quốc - cho rằng thời gian ân hạn và các biện pháp cứu trợ của dự luật có thể giúp những người chăn nuôi chó.
Ông nhận định: “Dựa trên kinh nghiệm nói chuyện với các công nhân trong ngành tại HSI, chúng tôi biết rằng phần lớn những người chăn nuôi và giết mổ thịt chó muốn rời bỏ ngành này nhưng họ không biết làm cách nào”. Nhưng với dự luật cùng với gói hỗ trợ tài chính từ chính phủ, “đây là thời điểm thích hợp để rời bỏ”.