Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện chiều 25/9. Ảnh: VGP |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế TP HCM lần thứ 5 - năm 2024 được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM”. Phiên đối thoại là nơi các địa phương, doanh nghiệp trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP HCM cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong 6 tháng năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,42%. Ngay sau cơn bão Yagi, Chính phủ đã có các giải pháp khắc phục và dự kiến GDP cả năm đạt 7%.
Trong thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng đánh giá TP HCM luôn đi đầu trong đổi mới, luôn là trung tâm tăng trưởng, tiên phong trên nhiều lĩnh vực, trong đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân.
Qua tham dự Diễn đàn, Thủ tướng đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP HCM, xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, mang thương hiệu ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; người dân năm sau hạnh phúc, ấm no hơn năm trước; phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa kinh tế, xã hội và môi trường.
Thủ tướng tin rằng với truyền thống vẻ vang, sự nỗ lực, sự hỗ trợ của Trung ương, của bạn bè, đối tác quốc tế, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, TP HCM nhất định sẽ đạt được mục tiêu nói trên.
Thủ tướng trực tiếp trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp trong phiên đối thoại chính sách. Ảnh: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống (như cơ khí chế tạo, hóa chất…), vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn, liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Muốn làm được điều này, Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, mà trước hết là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vừa qua, TP HCM đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cùng với đó, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; quản trị thông minh. Ngoài ra phải có các cơ chế, giải pháp huy động nguồn lực thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, việc này TP HCM có điều kiện làm được và phải làm bằng được.
Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng TP HCM; ưu tiên về cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố; xây dựng chiến lược chung cho cả nước, trong đó có chiến lược riêng, cơ chế đặc thù với TP HCM vì Thành phố gánh vác trọng trách, sứ mệnh nhiều hơn, cao hơn.
Với các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
“TP HCM phải xây dựng hạ tầng thông suốt, thể chế thông thoáng, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành công của nhà đầu tư là thành công của TP HCM và của Việt Nam,” Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.