Cuộc diễu hành LGBTQ Pride hàng năm tại Bangkok, Thái Lan ngày 4/6/2023. Ảnh: Reuters |
Theo Nikkei Asia, dự luật được đệ trình lên Quốc hội Thái Lan ngày 21/12 sau khi được Nội các thông qua ngày 19/12 trước đó. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp Nội các, Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định dự luật này sẽ cho phép các cặp đồng tính có quyền kết hôn như các cặp đôi dị tính.
Trong khi đó theo phát biểu của Phó Thủ tướng Somsak Thepsuthin, “dự luật về nguyên tắc sửa đổi một số điều trong bộ luật dân sự để mở đường cho những người yêu nhau, không phân biệt giới tính, được đính hôn và kết hôn”. Điều này “sẽ mang lại các quyền, trách nhiệm và địa vị gia đình ngang bằng với hôn nhân giữa một người nam và một người nữ hiện nay về mọi mặt”.
Ngoài ra, ông Somsak cũng bổ sung rằng chính phủ đã tiến hành một cuộc khảo sát từ ngày 31/10 đến ngày 14/11 và kết quả cho thấy 96,6% công chúng ủng hộ dự luật.
Có tổng cộng 4 dự luật đã được đệ trình để tranh luận, trong đó một dự luật do Nội các của Thủ tướng Srettha viết, một dự luật từ các nhóm dân sự đã thu thập được hơn 10.000 chữ ký và hai dự luật do đảng đối lập lớn nhất Move Forward cùng Democrats soạn thảo, những đảng đã đi đầu trong việc thúc đẩy bình đẳng hôn nhân trong vài năm qua tại Thái Lan.
Cả 4 dự luật này khác nhau về chi tiết nhưng đều nhằm một mục đích chung là sửa đổi bộ luật dân sự và thương mại bằng cách thay đổi cách diễn đạt từ “chồng” và “vợ” thành “cá nhân”.
Trước mắt, Hạ viện sẽ thảo luận về các dự luật và sau đó sẽ tổng hợp chúng thành một dự luật chung để có thể tiến hành bỏ phiếu. Cuộc tranh luận dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1/2024 trước khi kết quả được gửi đến ủy ban giám sát để tổng hợp và đưa ra biểu quyết. Nếu dự luật được Hạ viện thông qua, nó sẽ được chuyển tới Thượng viện để thảo luận và bỏ phiếu lần cuối cùng.
Do quá trình này liên quan tới những thay đổi với luật pháp hiện hành của quốc gia, các chuyên gia pháp lý cho biết có thể mất từ 4 tới 6 tháng trước khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng được tổ chức.
Nhận định về những động thái này, ông Thanyawat Kamolwongwat, một nhà lập pháp thuộc đảng Move Forward, người tham gia quá trình soạn thảo dự luật của đảng, cho biết: “Thái Lan đang bước sang một chương mới về bình đẳng”. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng dự luật sẽ được thông qua một cách thành công do “nó được tất cả các nhóm, bao gồm cả chính phủ, đảng và các nhóm dân sự ủng hộ”.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Rainbow Sky Association of Thailand Kittinun Daramadhaj, dự luật bình đẳng hôn nhân được ủng hộ bởi Đảng Pheu Thai và đảng Move Forward - 2 đảng chiếm đa số ở Hạ viện - nên việc bỏ phiếu có thể diễn ra suôn sẻ.
Trước đó vào năm 2022, Quốc hội Thái Lan đã tiến hành tranh luận về 4 dự luật liên quan đến quyền của nhóm LGBTQ+, bao gồm hôn nhân đồng giới, quyền công dân và bình đẳng hôn nhân. Tuy nhiên, các nhà lập pháp đã không thể đi đến cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi kết thúc phiên họp hồi đầu tháng 3/2023.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 vừa qua, hôn nhân đồng giới đã trở thành chính sách hàng đầu của một số đảng, trong đó có Pheu Thai và Move Forward khi các đảng này cam kết sẽ thúc đẩy việc ban hành luật bình đẳng hôn nhân.
Thái Lan sở hữu những cộng đồng đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới cởi mở và rõ ràng nhất châu Á. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động chính trị cho rằng luật pháp và thể chế của nước này vẫn chưa phản ánh sự thay đổi thái độ xã hội và vẫn phân biệt đối xử với những người thuộc cộng đồng LGBT.
Nếu dự luật được thông qua, Thái Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á và một trong số 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên tại châu Á công nhận hôn nhân đồng giới cùng với Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal.