Quý 3 vượt trội, An Gia ghi nhận doanh thu gấp 26 lần, lợi nhuận gấp 11 lần so với cùng kỳ

AGG An Gia
06:00 - 28/10/2022
Dự án The Sóng của An Gia tại thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Võ Quyền
Dự án The Sóng của An Gia tại thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Võ Quyền
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (HoSE: AGG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng.

Cụ thể, quý 3/2022, doanh thu thuần của AGG đạt 2.193,9 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 301 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 26,06 lần và 6,99 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc doanh thu tài chính đạt 83,3 tỷ đồng, tăng 37,8%, lợi nhuận khác đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 13,8 lần. Bất chấp chi phí tài chính tăng 13% (86 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 19 lần (194 tỷ đồng) và lỗ trong công ty liên kết 14 tỷ đồng… AGG vẫn có lãi trước thuế 79 tỷ đồng, tăng 11 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, do khoản thu nhập thuế thu nhập hoãn lại trong kỳ này lên tới 102,9 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 3,5 tỷ đồng quý 3/2021, lợi nhuận sau thuế của AGG trong kỳ đạt 108,6 tỷ đồng, tăng hơn 37 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 5.465,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 953,4 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 7,59 lần và 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với doanh thu tài chính chỉ đạt 235,9 tỷ đồng, giảm 19%, chi phí tài chính tăng 30,2% lên 275,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng gấp 5,6 lần lên 502,8 tỷ đồng; và lỗ trong công ty liên kết 47,9 tỷ đồng; lãi sau thuế chỉ tăng thêm 41,5% lên 199,5 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của AGG đạt 10.943,5 tỷ đồng, giảm 12,9% so với đầu kỳ. Nguyên nhân chính là do hàng tồn kho giảm 45%, còn 3.665 tỷ đồng.

Các dự án bất động sản dở dang giảm mạnh nhất là: The Sóng (giảm 88% xuống còn 373 tỷ đồng), The Standard (giảm 52,5 xuống còn 558,5 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, dự án Westgate lại tăng 37% lên 2.204,25 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.106,3 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn là 2.035 tỷ đồng và tiền và tương đương tiền đạt tới 1.093,72 tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với hồi đầu năm, trong đó có tới 1.051,5 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng.

Đối với nguồn vốn của doanh nghiệp, nợ phải trả của AGG giảm 21,34% về 7.779 tỷ đồng, trong đó chiếm phần lớn là người mua trả tiền trước ngắn hạn (2.675,7 tỷ đồng), vay ngắn hạn (1.355 tỷ đồng), phải trả dài hạn khác (1.084 tỷ đồng).

Bất động sản An Gia được thành lập năm 2012, và bắt đầu giao dịch trên sàn HoSE từ đầu năm 2020. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư phát triển và kinh doanh các công trình nhà ở và hiện đang là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tiếng ở phía Nam.

Về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vào ngày 25/10 mới đây, HĐQT An Gia đã thông qua việc mua lại trước hạn lô trái phiếu AGGH2122001, tổng giá trị đã phát hành là 300 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong quý 4/2022. Nguồn tiền mua lại trái phiếu từ nguồn tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGG chủ yếu đi ngang trong nhiều tháng trở lại đây, giao dịch trong vùng giá 30.000 – 40.000 đồng/CP. Chốt phiên 28/10, thị giá AGG tăng 1,5% lên mức 34.500 đồng/CP, tương đương vốn hóa 3.850,1 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Quách Sơn.

9 nhóm hàng đẩy CPI tháng 2/2024 tăng 1,04%

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn rơi vào tháng 2/2024 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cùng với đó, giá gạo, giá xăng dầu, giá gas tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này tăng 1,04% so với tháng trước.