Quý II lãi gấp 3 lần, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu tăng 46% lợi nhuận năm

Vĩnh Hoàn Việt nAM
17:27 - 24/07/2022
Quý II lãi gấp 3 lần, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu tăng 46% lợi nhuận năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC), quý II/2022 doanh nghiệp ghi nhận lãi đạt gần 800 tỷ đồng. Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đưa ra kế hoạch đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021.

Theo đó, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 4.226 tỷ đồng trong quý II/2022, tăng (năm 2021 đạt 2.342 tỷ đồng). Doanh thu tài chính quý này của Vĩnh Hoàn đạt 107 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính đạt 110 tỷ đồng, gấp 4 lần so với quý II/2021.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 788 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 261 tỷ đồng).

Về kết quả tiêu thụ sản phẩm, trong tháng 6/2022, theo công bố từ phía Vĩnh Hoàn, cá tra, sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm 2021, tăng lần lượt 27%, 46% và 98%. Cá tra là sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất, đạt 608 tỷ đồng; đứng thứ 2 là các sản phẩm phụ, đạt 236 tỷ đồng.

Đối với sản phẩm của công ty Sa Giang (công ty con của Vĩnh Hoàn) là bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng và bún gạo lại sụt giảm. Dù vậy nhìn chung sự sụt giảm này không tác động quá nhiều đến tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn do các sản phẩm trên của Sa Giang chỉ đóng góp một phần nhỏ tỷ trọng.

So với tháng 5/2022, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn giảm tới 30%, trong đó, doanh thu cá tra giảm 41%. Nguyên nhân là do các thị trường xuất khẩu chính đều ghi nhận đà giảm so với tháng 5/2022, thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ giảm tới 59%, châu Âu giảm 5%. Tại thị trường nội địa, tiêu thụ cũng ghi nhận giảm nhẹ ở mức 1%. Điểm sáng trong tháng 6/2022 là thị phần tại thị trường Trung Quốc lại tăng 19% bất chấp chính sách “Zero Covid” của quốc gia này.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 7.493 tỷ đồng, tăng 240% so với 2 quý đầu năm 2021 (năm 2021 đạt 4.130 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng, tăng 240% (năm 2021 392 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 11.531 tỷ đồng, tăng gần 32% so với ngày 31/12/2021. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã tăng từ 3.838 tỷ đồng lên mức 5.150 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết của doanh nghiệp là 1.833 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 62%, lên mức 2.905 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn hiện đang đầu tư chứng khoán gần 200 tỷ đồng, đa phần là các cổ phiếu xây dựng và bất động sản như Nam Long, Đất Xanh, Kinh Bắc. Khoản đầu tư cổ phiếu này đang phải trích lập dự phòng gần 63 tỷ đồng, khoảng hơn 30%.

Nợ của doanh nghiệp cũng tăng lên 45%, từ 2.853 tỷ đồng lên mức 4.141 tỷ đồng (ngày 30/6/2022). Trong đó, vay ngắn hạn từ các ngân hàng tăng từ 1.723 tỷ đồng lên 2.541 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn cũng đặt kế hoạch đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 46%.

Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn công bố sẽ có kế hoạch mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu, diện tích mở rộng dự kiến khoảng 100 – 150 ha nhằm đảm bảo tỷ lệ tự chủ, hướng tới mục tiêu đáp ứng 70% nguyên liệu của công ty.

Vĩnh Hoàn cũng sẽ đưa ra 4 mũi nhọn để hướng tới mục tiêu định giá công ty đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2025. Theo đó, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ngành nghề cốt lõi là nuôi và chế biến cá, vượt mốc 1.000 tấn nguyên liệu/ngày thông qua việc đầu tư, cải tạo, mở rộng các nhà máy hiện có và có thể tiến tới xây dựng các nhà máy mới. Nếu như đạt được mục tiêu trên, Vĩnh Hoàn có thể đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường thực phẩm toàn cầu với nhu cầu thủy sản khổng lồ.

Đầu tháng 7 vừa qua, Vĩnh Hoàn đã tăng góp vốn vào Công ty TNHH Sản xuất Giống Cá Tra Vĩnh Hoàn, nâng tổng số vốn điều lệ công ty nắm giữ lên đến 96% (tương ứng 48 tỷ đồng). Đây vốn là công ty chuyên sản xuất giống thủy sản nội địa, khu cá giống này của Vĩnh Hoàn nhằm tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, cải thiện quy trình nhằm sản xuất ra con giống chất lượng cao.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường trong thời gian tới, phía Vĩnh Hoàn chia sẻ thị trường Hoa Kỳ có vụ kiện chống bán phá giá cá tra, đây là lợi thế cạnh tranh lớn của VHC. Về thị trường châu Âu có lợi thế về nhu cầu thủy sản tăng mạnh trước tác động của chiến tranh Nga – Ukraine. Ngoài ra, cá tra xuất khẩu sang châu Âu còn có lợi thế về thuế khi thuế nhập khẩu đối với các loại cá trắng đang giảm dần về 0% (trước đây là 5,5%).

Trong khi đó, phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, bà Trương Thị Lệ Khanh, thị trường Trung Quốc có xu hướng dài hạn là mua mặt hàng thủy sản của Việt Nam về rồi sau đó mới chế biến, sản xuất. Theo kỳ vọng, thời gian tới nhu cầu cá thô từ Trung Quốc vẫn rất lớn, đặc biệt khi nước này hoạt động trở lại sau dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp