![]() |
Thống kê của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết trong hệ thống cho thấy, trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng này đạt 81 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính cho Tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của hầu hết các ngân hàng. Cụ thể, quý IV/2024, thu nhập lãi thuần của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng 11% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 6% của cùng kỳ năm ngoái); với sự dẫn dắt của tăng trưởng tín dụng khi biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp.
![]() |
Tuy vậy, theo đánh giá của VDSC, NIM quý IV/2024 của ngành ngân hàng vẫn ghi nhận sự cải thiện nhẹ 10 điểm cơ bản so với quý III/2024 nhờ lợi suất tài sản tăng nhẹ trong khi chi phí vốn đi ngang so với quý trước. Theo chuyên gia VDSC, diễn biến mở rộng của NIM so với quý trước có sự hỗ trợ của việc hoàn nhập thu nhập lãi đã thoái sau khi chất lượng tài sản có sự cải thiện đáng kể trong quý IV.
Các nguồn thu nhập ngoài lãi trong quý cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh 32% so với cùng kỳ, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ thu hồi nợ xấu, tăng 66% so với cùng kỳ và thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh, chủ yếu là trái phiếu chính phủ, tăng 67% so với cùng kỳ.
"Trong khi thu nhập từ thu hồi nợ xấu có sự tăng trưởng tích cực trên diện rộng và đột biến ở số ít ngân hàng như VPB, VCB, BID, CTG, thì tăng trưởng của thu nhập từ kinh doanh chứng khoán được đóng góp chủ yếu bởi đột biến chủ yếu ở BID và MBB. Ngược lại, tăng trưởng của thu nhập từ phí dịch vụ vẫn tương đối yếu, giảm 13% so với cùng kỳ," báo cáo của VDSC cho hay.
![]() |
Lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế các ngân hàng niêm yết đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. NIM cuối năm 2024 của các ngân hàng niêm yết giảm 10 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,3%, đà giảm chậm lại so với mức giảm 40 điểm cơ bản của năm 2023.
Bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng đang chuyển biến tích cực
Về bức tranh chất lượng tài sản ngân hàng, các chuyên gia của VDSC nhận định có sự chuyển biến tích cực trong quý IV/2024 với quy mô nợ xấu (NPL), tỷ lệ nợ xấu, và nợ xấu hình thành ròng (trước xử lý rủi ro) đều giảm so với quý trước.
Đáng chú ý, quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022, thời điểm trước khi nợ xấu bắt đầu chu kỳ tăng mạnh trước những ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố vĩ mô và thị trường bất động sản.
Các chuyên gia chỉ ra trong quý IV/2024, một số ngân hàng đáng chú ý ghi nhận nợ xấu giảm ròng (trước xử lý rủi ro), do nợ xấu nội bảng chuyển về các nhóm nợ tốt hơn, bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Mã: CTG); Ngân hàng TMCP Quân đội (Mã: MBB); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Mã: TCB); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (Mã: TPB); Ngân hàng TMCP Nam Á (Mã: NAB).
![]() |
Theo VDSC, xu hướng nợ xấu hình thành ròng giảm được hỗ trợ bởi khả năng trả nợ của các khách hàng đã khả quan hơn trong quý, thể hiện một phần qua số dư lãi, phí phải thu, số ngày phải thu lãi bình quân giảm đáng kể so với quý trước. Diễn biến này được dự báo có thể tiếp tục củng cố cho chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong 2025.
Mặc dù nợ xấu mới đã giảm, các ngân hàng duy trì tỷ lệ chi phí tín dụng không thay đổi so với quý trước, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện nhẹ lên 91% từ 83% trong quý III/2024.
Bên cạnh việc cấu phần thu nhập khác có sự tăng trưởng vượt trội nhờ thu nhập từ thu hồi nợ xấu (đã xử lý rủi ro), các chuyên gia cho rằng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đi ngang so với cùng kỳ là hai điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh kết quả kinh doanh cũng như củng cố cho diễn biến cải thiện của chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý vừa qua.