Quỹ tỷ USD của Dragon Capital đã bán ra hơn 110 triệu cổ phiếu HPG

hoà phát Dragon Capital
12:23 - 13/11/2022
Hiện nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nắm giữ khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (tỷ lệ 18,8%).
Hiện nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nắm giữ khoảng 1,1 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Hoà Phát (tỷ lệ 18,8%).
0:00 / 0:00
0:00
Đà giảm của HPG (Tập đoàn Hoà Phát) thời gian qua có một phần tác động lớn của khối ngoại. Riêng quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) thuộc Dragon Capital đã bán ra hơn 110 triệu cổ phiếu này trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay.

Theo báo cáo cập nhật đến thời điểm 3/11, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL. Vào thời điểm cuối năm ngoái, HPG vẫn là chủ lực trong danh mục của quỹ ngoại này với tỷ trọng lớn nhất khoảng trên 12%.

Thời điểm đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL lên đến hơn 2,6 tỷ USD tương đương giá trị khoản đầu tư vào HPG ước tính vào khoảng 310 triệu USD. Chiếu theo thị giá HPG giai đoạn đó, quỹ ngoại này nắm giữ khoảng 156 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép.

Động thái rút vốn khỏi HPG của VEIL diễn ra mạnh mẽ từ đầu tháng 3/2022. Đến giữa tháng 6, VEIL đã bán ròng khoảng 50 triệu cổ phiếu HPG từ đầu năm, qua đó giảm lượng sở hữu xuống còn 106 triệu đơn vị (giá trị 141 triệu USD). Trong đợt Hòa Phát chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% (ngày không hưởng quyền là 17/6), quỹ ngoại đã nhận thêm gần 32 triệu cổ phiếu để nâng lượng nắm giữ lên 138 triệu đơn vị, tuy nhiên giá trị không thay đổi.

Sau đó, VEIL vẫn miệt mài bán cổ phiếu HPG, đặc biệt từ giữa tháng 9. Tính đến ngày 3/11, HPG đã không còn trong top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục của VEIL, tương đương tỷ trọng dưới 3,11% (tỷ trọng của PNJ – cổ phiếu đứng thứ 10). Với NAV chỉ còn 1,54 tỷ USD, giá trị khoản đầu tư vào HPG của VEIL chỉ còn chưa đến 48 triệu USD, tương ứng lượng sở hữu vào khoảng 78 triệu cổ phiếu.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn của VEIL tại thời điểm 3/11.

Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn của VEIL tại thời điểm 3/11.

Như vậy ước tính, VEIL đã bán ròng tối thiểu 60 triệu cổ phiếu HPG từ giữa tháng 6, qua đó nâng số lượng bán ròng HPG từ đầu năm lên khoảng 110 triệu cổ phiếu; chiếm hơn 40% tổng khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu đầu ngành thép. Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, cổ phiếu của Hoà Phát chính là mã bị khối ngoại xả mạnh nhất với giá trị lên đến 7.558 tỷ đồng (hơn 264 triệu đơn vị).

Việc khối ngoại rút ròng tác động không nhỏ đến thị giá cổ phiếu HPG. Kết phiên 13/11, mã này đã lui về mức giá 12.300 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Con số lỗ kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng trong quý 3 và triển vọng ngành thép còn phủ nhiều “sương mờ”, HPG vẫn chưa có nhiều động lực để hồi phục trở lại.

Không thật sự hấp dẫn để đầu tư ngắn hạn

Trong báo cáo cập nhật ngày 11/11, VNDirect cho biết, ngành thép nội địa đang đứng trước nhiều thách thức: Thị trường bất động sản định trệ, giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm giá than cốc, thép phế), lãi suất tăng cao và đồng VND yếu. Hàng loạt nhà sản xuất thép hàng đầu như HPG, POM, VN-Steel đã thông báo đóng cửa một phần các dây chuyền sản xuất.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất quý 3/2022 đã giảm 7% so với cùng kỳ. VNDirect ước tính tổng hàng tồn kho cuối quý 3 của các doanh nghiệp thép niêm yết đã giảm 22,5% so với quý trước đó, kéo theo số ngày tồn kho bình quân giảm xuống chỉ còn 101 ngày, từ mức 126 ngày trong quý 2/2022.

Ngược lại, công ty chứng khoán cũng nhận thấy một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện: Giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại; Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.

VNDirect dự phóng tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của HPG sẽ đạt đỉnh 0,4 lần trong giai đoạn 2023-2024 do đầu tư phát triển Khu Liên hợp Dung Quất 2.
VNDirect dự phóng tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của HPG sẽ đạt đỉnh 0,4 lần trong giai đoạn 2023-2024 do đầu tư phát triển Khu Liên hợp Dung Quất 2.

Theo VNDirect, HPG đang giao dịch ở mức P/E 2022-2023 lần lượt là 7,1-5,7 lần, không thật sự hấp dẫn để đầu tư ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu ngành suy yếu.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng với thị phần lớn và hiệu suất vận hành vượt trội, HPG sẽ phục hồi nhanh hơn các công ty trong ngành khi các tín hiệu tích cực xuất hiện. Động lực tăng giá là các dự án mới để mở rộng chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là tăng trưởng nhu cầu thép thấp hơn và lãi suất cao hơn dự kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.