Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo tham quan Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC). Ảnh: VGP. |
Chiều 6/9, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM tổ chức buổi lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC). Đơn vị này được hợp nhất từ Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC), tạo thành một hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch.
Việc hợp nhất này nhằm mở rộng hợp tác thành một đơn vị đào tạo vi mạch có quy mô đủ lớn có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai. ESC cũng sẽ là đơn vị tổ chức chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, việc ra mắt Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) rất có ý nghĩa và là cột mốc quan trọng trong tiến trình TP HCM thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng , không có một đất nước công nghiệp mạnh nếu không có ngành công nghiệp điện tử, không có ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được ngành công nghiệp về vi mạch bán dẫn. Và sẽ không có ngành vi mạch bán dẫn mạnh nếu không có đội ngũ trí thức am hiểu về nó.
"Không thể có một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển nếu thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn cao. Chúng ta đã lựa chọn nguồn tài nguyên vô tận là trí tuệ cùng với huy động, kết nối, hợp tác để thu hút nhân tài, làm động lực phát triển mới. Đây là hướng đi đúng đắn".
Chính vì vậy, trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực phải đi vào thực tế, bỏ qua các khâu trung gian và đi đến ngay khâu vườn ươm, bởi muốn đi xa ở ngành này cần phải có nghiên cứu cơ bản và phải hiểu về công nghệ lõi, phải biết cách học hỏi, để nhận chuyển giao và hiểu về bản chất.
Để làm được điều này, các trường đại học phải là những nơi nghiên cứu cơ bản, những nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học và chính nguồn nhân lực đó sẽ giúp dẫn dắt thị trường. Hơn nữa, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận, khuyến khích các doanh nghiệp, các ngành nghề cùng tham gia.
Thời gian tới, Chính phủ cam kết sẽ phát triển ngành công nghiệp điện tử mạnh để tạo ra nhu cầu mạnh mẽ cho việc phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, Việt Nam sẽ đi từ khâu thiết kế mô hình sản phẩm, cho đến chế tạo, kiểm thử…
Từ các nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp khoa học và công nghệ, Nhà nước sẽ không hạn chế trong việc đầu tư hạ tầng để các doanh nghiệp, các trường đại học có thể đưa vào đào tạo nguồn nhân lực với các phòng thí nghiệm Lab hiện đại nhất.
Tại buổi lễ ra mắt, các chuyên gia tham dự tại sự kiện đều khẳng định, nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò then chốt, quyết định và Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển nguồn nhân lực trong nước. Đồng thời cần có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon, nhằm nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nước.